MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA THÔNG TƯ SỐ 39/2016/TT-NHNN

    Ngày 30 tháng 12 năm 2016, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (gọi tắt là “Thông Tư 39”) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành và thay thế cho Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN (gọi tắt là “Văn Bản Bị Thay Thế”) hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 03 năm 2017, về việc Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

    Theo hiểu biết của chúng tôi, Thông Tư 39 này đã có một số điểm mới quan trọng về chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng, mục đích vay vốn, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, hợp đồng mẫu, công khai điều kiện giao dịch, chuyển nợ quá hạn và thứ tự thu hồi nợ.

    Cụ thể, Thông Tư 39 đã có một số sự thay đổi quan trọng cần được lưu tâm sau đây:

    1. Chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng

    Tại Thông Tư 39 quy định: “Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm: a) Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; b) Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.[1].

    Chúng tôi nhận thấy rằng, sự khác biệt trong quy định mới này là việc khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng chỉ bao gồm pháp nhân cá nhân. Nghĩa là, các tổ chức không phải là pháp nhân (ví dụ như: hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) thì không có tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự 2015[2].

    Thực tế trước đây, Văn Bản Bị Thay Thế đã quy định khách hàng vay tại tổ chức tín dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có nhu cầu vay vốn, có khả năng trả nợ…, nghĩa là pháp luật (đã bị thay thế) cho phép khách hàng vay bao gồm kể cả hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh.

    2. Mục đích vay vốn

    Tại Thông Tư 39 quy định có hai (2) nhóm mục đích vay vốn, bao gồm: Cho vay phục vụ nhu cầu đời sốngCho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, cụ thể:

    • Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống được hiểu là “việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó[3]; và

    • Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh được hiểu là “việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngoài quy định tại khoản 4 Điều này (Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống), bao gồm nhu cầu vốn của pháp nhân, cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân[4].

    Chúng tôi nhận thấy rằng, sự khác biệt trong quy định mới này là việc Thông Tư 39 không giới hạn mục đích vay vốn như Văn Bản Bị Thay Thế, mà nó chia nhu cầu vay vốn thành 02 nhóm như nói trên. Thực tế trước đây, Văn Bản Bị Thay Thế đã giới hạn mục đích vay vốn của khách hàng ở việc thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống ở trong nước và nước ngoài.

    Cần lưu ý rằng, mặc dù theo Thông Tư 39 tổ chức không có tư cách pháp nhân thì không có tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng, nhưng Thông Tư 39 cho phép tổ chức tín dụng cho vay đối với cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân.

    3.       Đảo nợ

    Đối với quy định về đảo nợ, Thông Tư 39 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn nhằm:

    • Để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

    • Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

    a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;

    b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

    c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ[5].

    Chúng tôi nhận thấy rằng, Thông Tư 39 đã có sự thay đổi trong quy định về đảo nợ so với Văn Bản Bị Thay Thế theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn việc cho vay để trả nợ.

    4. Lãi suất cho vay

    Tại Thông Tư 39 quy định:

    • Mức trần lãi suất: “Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng[6], trừ trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thì lãi suất thỏa thuận “không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn[7];

    • Lãi chậm trả: Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả[8];

    • Lãi tại thời điểm chuyển nợ quá hạn: Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn[9];

    • Lãi suất cho vay điều chỉnh: Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, thì “tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất[10].

    Chúng tôi nhận thấy rằng, sự quan trọng trong quy định mới này là việc quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu tiên quy định tại Thông Tư 39. Hơn nữa, bên cạnh lãi suất cho vay trong hạn, đã có sự quy định rõ ràng về mức tối đa và cách tính của lãi chậm trả, lãi tại thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất cho vay điều chỉnh nhằm để tránh sự tranh chấp trong cách hiểu của các bên.

    5. Thời hạn cho vay

    Tại Thông Tư 39 quy định:

    • Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo của ngày tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến thời điểm khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng[11];

    • Tổ chức tín dụng theo các loại cho vay như sau:

    • Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 (một) năm.

    • Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 (một) năm và tối đa 05 (năm) năm.

    • Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 (năm) năm[12].

    Chúng tôi nhận thấy rằng, sự khác biệt trong quy định mới này là việc (i) thời hạn vay không được tính từ khi khách hàng nhận vốn vay; và (ii) thời hạn vay được xác định bằng năm thay cho bằng tháng như trước đây.

    6. Một số thay đổi khác

    • Đồng tiền trả nợ: Bên cạnh việc quy định về đồng tiền cho vay giống như trước đây tại Văn Bản Bị Thay Thế, thì Thông Tư 39 đã có quy định mới cụ thể về đồng tiền trả nợ – “Đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay[13].

    • Phí cam kết rút vốn: Thông Tư 39 đã có sự bổ sung về Phí cam kết rút vốn, cụ thể tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc trả “Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu[14].

    • Phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại: Thông Tư 39 đã quy định tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp các bên không thực hiện đúng thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp vi phạm về trả nợ gốc và/hoặc lãi. Đồng thời, lưu ý rằng, nếu không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm (không phải chịu bồi thường thiệt hại)[15].

    • Chuyển nợ quá hạn: Thông Tư 39 đã quy định “Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ[16]. Sự khác biệt trong quy định mới này là việc thay thế “toàn bộ số dư nợ” (được quy định trong Văn Bản Bị Thay Thế) bằng “số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn” – đây là quy định nhằm tránh xung đột trong cách hiểu của các bên trước đây.

    • Công khai hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung: Tại Thông Tư 39 quy định tổ chức tín dụng phải thực hiện:

    • Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng;

    • Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin[17].

    • Thông báo thu hồi nợ: Khi thực hiện việc chuyển nợ quá hạn, chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn đối với nợ gốc, chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn này[18].

    ________________________________________________

    [1] Khoản 3 Điều 2 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [2] Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Quốc Hội Khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

    [3] Khoản 4 Điều 2 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [4] Khoản 5 Điều 2 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [5] Khoản 5 và 6 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [6] Khoản 1 Điều 13 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [7] Khoản 2 Điều 13 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [8] Khoản 4(b) Điều 13 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [9] Khoản 4(c) Điều 13 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [10] Khoản 5 Điều 13 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [11] Khoản 8 Điều 2 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [12] Điều 10 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [13] Điều 20 và Khoản 1 Điều 21 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [14] Khoản 4 Điều 14 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [15] Điều 25 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [16] Điều 20 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [17] Khoản 4 Điều 23 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

    [18] Điều 20 và Khoản 1 Điều 21 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN

      ________________________________________________

      @ Copyright 2015 – Công ty Luật QNT – Bài viết được viết trong và tuân theo pháp luật liên quan tại thời điểm được công bố