1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ NGÀY 01/03/2019
1.1. Thông tư số 30/2018/TT-NHNN hướng dẫn xác định vốn nhà nước của các doanh nghiệp cổ phần hóa là tổ chức tín dụng
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 30/2019/TT-NHNN ban hành ngày 12/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn xác định vốn nhà nước của các doanh nghiệp cổ phần hóa là tổ chức tín dụng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 30/2018/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 01/03/2019.
Nội dung có thể lưu ý: khoản 2 Điều 2 Thông tư số 30/2018/TT-NHNN quy định về đối tượng áp dụng của Thông tư này như sau: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
-
Đối tượng áp dụng:
-
a) Các doanh nghiệp cổ phần hóa là tổ chức tín dụng, bao gồm:
(i) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định tại khoản 2 Điều 2[1] Nghị định số 126/2017/NĐ-CP là tổ chức tín dụng;
(ii) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ quy định tại khoản 3 Điều 2[2] Nghị định số 126/2017/NĐ-CP là tổ chức tín dụng;
-
b) Cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xác định vốn nhà nước của các doanh nghiệp cổ phần hóa là tổ chức tín dụng quy định tại điểm a khoản này.”
1.2. Thông tư số 51/2018/TT-NHNN quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 51/2018/TT-NHNN ban hành ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 51/2018/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 01/03/2019.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về điều kiện góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Điều 4 Thông tư số 51/2018/TT-NHNN quy định: “Điều 4. Điều kiện thực hiện góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng
1. Điều kiện thực hiện góp vốn, mua cổ phần để thành lập, mua lại công ty con quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 1 Thông tư này (trừ công ty con là công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản):
a) Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng có nội dung hoạt động góp vốn, mua cổ phần;
b) Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng trong 24 tháng liền kề trước tháng đề nghị và tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;
c) Đảm bảo tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Điều 129 Luật các tổ chức tín dụng trong 24 tháng liền kề trước tháng đề nghị và tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;
d) Giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần không thấp hơn mức vốn pháp định;
đ) Kết quả hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm đề nghị đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập;
e) Không bị xử phạt vi phạm hành chính về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, góp vốn, mua cổ phần trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị;
g) Có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ nhỏ hơn 3% trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị;
h) Có cơ cấu tổ chức, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước.
2. Điều kiện thực hiện góp vốn, mua cổ phần để thành lập, mua lại công ty liên kết quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 1 Thông tư này (trừ công ty liên kết là công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản):
a) Các điều kiện quy định tại điểm a, d, đ, e, g, h khoản 1 Điều này;
b) Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị và tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;
c) Đảm bảo tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Điều 129 Luật các tổ chức tín dụng trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị và tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
3. Điều kiện thực hiện góp vốn, mua cổ phần để thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản:
a) Điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Đảm bảo tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại Điều 129 Luật các tổ chức tín dụng tại thời điểm hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần theo chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước;
c) Có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ trên 3% trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị.
4. Điều kiện thực hiện góp vốn, mua cổ phần đối với doanh nghiệp khác hoạt động trong các lĩnh vực quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Thông tư này:
a) Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đảm bảo tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước trong 24 tháng liền kề trước tháng đề nghị.
5. Điều kiện thực hiện chuyển nợ thành vốn góp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 1 Thông tư này:
a) Các điều kiện quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, h khoản 1 Điều này;
b) Khoản nợ được chuyển thành vốn góp phải là khoản nợ xấu và việc chuyển nợ thành vốn góp là để xử lý khoản nợ xấu. Nợ xấu là nợ được xác định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”
-
Hai là, quy định trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 51/2018/TT-NHNN quy định: “Điều 6. Trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng
1. Tổ chức tín dụng lập 02 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, gửi Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng). Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng bổ sung hồ sơ.
2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản kèm hồ sơ gửi lấy ý kiến:
a) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính về việc đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Thông tư này;b) Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước về việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nợ thành vốn góp của tổ chức tín dụng (nếu cần thiết).
3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, các đơn vị được lấy ý kiến quy định tại khoản 2 Điều này có ý kiến bằng văn bản gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về các nội dung được lấy ý kiến.
4. Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến các đơn vị có liên quan, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thẩm định hồ sơ và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận hoặc không chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nợ thành vốn góp theo đề nghị của tổ chức tín dụng.
5. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nợ thành vốn góp của tổ chức tín dụng; trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu rõ lý do.
6. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước ra văn bản chấp thuận, tổ chức tín dụng phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nợ thành vốn góp. Quá thời hạn này, văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước đương nhiên hết hiệu lực.”
1.3. Thông tư số 53/2018/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 53/2018/TT-NHNN ban hành ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 53/2018/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 01/03/2019.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về điều kiện thành lập chi nhánh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Cụ thể, Điều 7 Thông tư số 53/2018/TT-NHNN quy định: “Điều 7. Điều kiện thành lập chi nhánh
1. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá 03 chi nhánh trong 01 năm tài chính khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị không thấp hơn mức vốn pháp định;
b) Hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán của năm trước liền kề năm đề nghị. Điều kiện này không áp dụng đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng nộp hồ sơ đề nghị vào năm thứ hai tính từ ngày khai trương hoạt động;
c) Tại thời điểm đề nghị không bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp không cho mở rộng địa bàn hoạt động;
d) Tại thời điểm đề nghị không vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
đ) Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị và tại thời điểm đề nghị không vượt quá 4% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ;
e) Tại thời điểm đề nghị Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát có số lượng và cơ cấu theo đúng quy định của pháp luật, không bị khuyết chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc);
g) Tại thời điểm đề nghị không vi phạm quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ; phân loại tài sản có và dự phòng rủi ro;
h) Có Quy chế về quản lý mạng lưới theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;
i) Có Đề án thành lập đơn vị mạng lưới.
2. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng có thời gian hoạt động dưới 12 tháng (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá 02 chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm đề nghị không thấp hơn mức vốn pháp định;
b) Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tại thời điểm gần nhất thời điểm đề nghị không vượt quá 4% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc trong từng thời kỳ;
c) Các quy định tại điểm c, d, e, g, h, i khoản 1 Điều này.”
-
Hai là, bãi bỏ Quyết định số 01/2008/QĐ-NHNNngày 09/01/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định về việc mở và chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Cụ thể, khoản 2 Điều 25 quy định: “Điều 25. Hiệu lực thi hành
…
2. Bãi bỏ Quyết định số 01/2008/QĐ-NHNN ngày 09/01/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định về việc mở và chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.”
1.4. Thông tư số 01/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 01/2019/TT-NHNN ban hành ngày 01/02/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 01/2019/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 20/03/2019.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, sửa đổi, bổ sung cách giải thích cụm từ “Bên thuê tài chính”.
Cụ thể, khoản 1 Điều 1 Thông tư số 01/2019/TT-NHNN quy định: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (sau đây gọi là Thông tư số 30/2015/TT-NHNN)
1. Khoản 14 Điều 3[3]được sửa đổi, bổ sung như sau:
“14. Bên thuê tài chính (bao gồm cả Bên bán và thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính) là pháp nhân, cá nhân hoạt động tại Việt Nam, trực tiếp sử dụng tài sản thuê cho mục đích hoạt động của mình.
Đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, khi tham gia quan hệ thuê tài chính thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch thuê tài chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch thuê tài chính.”.”
-
Hai là, thay đổi cụm từ “Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng” thành “Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (đối với địa bàn có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng)”
Cụ thể, khoản 3 Điều 2 Thông tư số 01/2019/TT-NHNN quy định: Điều 2.
…
-
Thay đổi cụm từ “Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng” thành “Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (đối với địa bàn có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng)” tại điểm a khoản 3 Điều 10, điểm d khoản 1 Điều 41, Điều 7 Phụ lục số 09A, Điều 7 Phụ lục số 09B, Điều 7 Phụ lục số 09C, Điều 7 Phụ lục số 09D Thông tư số 30/2015/TT-NHNN.”
1.5. Nghị định số 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
-
Tên văn bản pháp luật: Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ban hành ngày 01/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây viết tắt là “Nghị định số 16/2019/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 20/03/2019.
Nội dung có thể lưu ý: sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động thông tin tín dụng.
Cụ thể, Điều 4 Nghị định số 16/2019/NĐ-CP quy định: “Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng
Khoản 5 Điều 7[4] (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Nghị định số 57/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng) được sửa đổi, bổ sung như sau:
“5. Có tối thiểu 15 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) cam kết cung cấp thông tin tín dụng và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.””
1.6. Thông tư số 02/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 02/2019/TT-NHNN ban hành ngày 28/02/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (sau đây viết tắt là “Thông tư số 02/2019/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 01/03/2019.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, sửa đổi, bổ sung quy định về ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán.
Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 02/2019/TT-NHNN quy định: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
…
-
Khoản 1 và khoản 2 Điều 4[5]được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình.
-
Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.””
-
Hai là, bổ sung quy định về xử lý tra soát, khiếu nại trong sử dụng tài khoản thanh toán.
Cụ thể, khoản 11 Điều 1 Thông tư số 02/2018/TT-NHNN quy định: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
…
11. “Điều 15a. Xử lý tra soát, khiếu nại trong sử dụng tài khoản thanh toán
1. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau:
a) Áp dụng tối thiểu hai hình thức tiếp nhận thông tin tra soát, khiếu nại bao gồm qua tổng đài điện thoại (có ghi âm) và qua các điểm giao dịch của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đảm bảo xác thực những thông tin cơ bản mà khách hàng đã cung cấp cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Xây dựng mẫu giấy đề nghị tra soát, khiếu nại để khách hàng sử dụng khi đề nghị tra soát, khiếu nại. Trường hợp tiếp nhận thông tin qua tổng đài điện thoại, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu khách hàng bổ sung giấy đề nghị tra soát, khiếu nại theo mẫu trong thời gian quy định của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm căn cứ chính thức để xử lý tra soát, khiếu nại. Trường hợp ủy quyền cho người khác đề nghị tra soát, khiếu nại, khách hàng thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền;
c) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận và quy định cụ thể về thời hạn khách hàng được quyền đề nghị tra soát, khiếu nại nhưng không ít hơn 60 ngày kể từ ngày phát sinh giao dịch đề nghị tra soát, khiếu nại.
2. Thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại:
a) Trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của khách hàng theo một trong các hình thức tiếp nhận quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng;
b) Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại cho khách hàng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện bồi hoàn tổn thất cho khách hàng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật hiện hành đối với những tổn thất phát sinh không do lỗi của khách hàng và/hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng theo thỏa thuận về điều khoản và điều kiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán;
c) Trong trường hợp hết thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại được quy định tại điểm a khoản này mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong vòng 15 ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý tra soát, khiếu nại.
3. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Thanh toán, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trên địa bàn); đồng thời, thông báo bằng văn bản cho khách hàng về tình trạng xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại. Việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo kết quả giải quyết không có yếu tố tội phạm, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý kết quả tra soát, khiếu nại.
4. Trường hợp ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, khách hàng và các bên liên quan không thỏa thuận được và/hoặc không đồng ý với quá trình đề nghị tra soát, khiếu nại thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.””
[1] “Điều 2. Đối tượng áp dụng
…
2. Doanh nghiệp nhà nước bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước), Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
c) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.”
[2] “Điều 2. Đối tượng áp dụng
…
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II).”
[3]“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
14. Bên thuê tài chính (bao gồm cả Bên bán và thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính) là tổ chức, cá nhân hoạt động tại Việt Nam, bao gồm các pháp nhân, cá nhân và các chủ thể dân sự khác theo quy định của pháp luật về dân sự, trực tiếp sử dụng tài sản thuê cho mục đích hoạt động của mình.”
[4] “Điều 7. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động thông tin tín dụng
…
5. Có tối thiểu 20 ngân hàng thương mại cam kết cung cấp thông tin tín dụng và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.”
[5] “Điều 4. Ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán
1. Trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản thanh toán, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) được ủy quyền cho người khác.”
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 32/2016/TT-NHNN
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
…
2. Khoản 1… Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình.”
“2. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức mở tài khoản.”
Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 32/2016/TT-NHNN
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19 tháng 8 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán
…
2. … khoản 2 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
… 2. Việc ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.””’