1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ THÁNG 07/2018 VÀ THÁNG 08/2018

1.1. Thông tư số 27/2017/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 03/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 27/2017/TT-NHNN ban hành ngày 31/12/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2013/TT-NHNNban hành ngày 28/01/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2018.

Một số nội dung có thể lưu ý:

  • Một là, sửa đổi, bổ sung cách giải thích của một số từ ngữ được quy định tại Điều 3 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN.

Cụ thể, khoản 1 Điều 1 Thông tư số 27/2017/TT-NHNN quy định: “Điều 3 (Thông tư số 03/2013/TT-NHNN) được sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Khoản 4 Điều 3[1] được sửa đổi, bổ sung như sau:

“4. Khách hàng vay là pháp nhân, cá nhân có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

1. Điểm a Khoản 8 Điều 3[2]được sửa đổi, bổ sung như sau:

“a. Công ty có chức năng mua bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, công ty thông tin tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán;”

1. Bổ sung Khoản 12 vào Điều 3 như sau:

“12. Tổ chức thông tin tín dụng nước ngoài là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài về thông tin tín dụng.””

  • Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động thông tin tín dụng được quy định tại Điều 5 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN.

Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 27/2017/TT-NHNN quy định: “Khoản 1 Điều 5[3] (Thông tư số 03/2013/TT-NHNN) được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan khi cung cấp, khai thác thông tin tín dụng.””

  • Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về các nhóm chỉ tiêu mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp cho CIC[4].

Cụ thể, khoản 3 Điều 1 Thông tư số 27/2017/TT-NHNN quy định: “ Khoản 1 Điều 7[5] (Thông tư số 03/2013/TT-NHNN) được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp cho CIC toàn bộ Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này và được phân thành các nhóm chỉ tiêu sau:

a) Thông tin nhận dạng;

b) Thông tin hợp đồng tín dụng;

c) Thông tin quan hệ tín dụng;

d) Thông tin tình trạng tài khoản thẻ tín dụng;

e) Thông tin bảo đảm tiền vay;

g) Thông tin tài chính năm của khách hàng vay là doanh nghiệp, bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo quy định của Bộ Tài chính;

h) Thông tin đầu tư trái phiếu vào khách hàng vay là doanh nghiệp.””

  • Bốn là, bổ sung quy định về đối tượng khai thác thông tin tín dụng (khoản 4 Điều 1 Thông tư số 27/2017/TT-NHNN); sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của Trung tâm Thông tin tín dụng (khoản 5 Điều 1 Thông tư số 27/2017/TT-NHNN); sửa đối, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 6 Điều 1 Thông tư số 27/2017/TT-NHNN); sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức tự nguyện tham gia hệ thống thông tin tín dụng (khoản 7 Điều 1 Thông tư số 27/2017/TT-NHNN); sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay (khoản 8 Điều 1 Thông tư số 27/2017/TT-NHNN).

  • Năm là, thay thế Phụ lục Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng ban hành kèm theo Thông tư số 03/2013/TT-NHNN bằng Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2017/TT-NHNN.

Cụ thể, khoản 1 Điều 2 Thông tư số 27/2017/TT-NHNN quy định: “Thay thế Phụ lục Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng ban hành kèm theo Thông tư số 03/2013/TT-NHNN bằng Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.”

  • Sáu là, thay đổi cụm từ “Trung tâm Thông tin tín dụng”, “Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng”, “Vụ Dự báo thống kê tiền tệ” và “Vụ Tín dụng”.

Cụ thể, khoản 3, khoản 4 Điều 2 Thông tư số 27/2017/TT-NHNN quy định:

“2. Thay đổi cụm từ “Trung tâm Thông tin tín dụng” thành “Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam”; “Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng” thành “Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam” tại Điều 1, Điều 12, Khoản 1 Điều 21 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN.

3. Thay đổi cụm từ “Vụ Dự báo thống kê tiền tệ” thành “Vụ Dự báo, thống kê”; “Vụ Tín dụng” thành “Vụ Tín dụng các ngành kinh tế” tại điểm b, d Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN.”

1.2. Nghị định số 42/2018/NĐ-CP về bãi bỏ một số Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng

  • Tên văn bản pháp luật: Nghị định số 42/2018/NĐ-CP ban hành ngày 12/03/2018 của Chính phủ bãi bỏ một số Nghị định Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng.

  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2018.

Nội dung có thể lưu ý: Nghị định số 42/NĐ-CP bãi bỏ một số Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng.

Cụ thể, Điều 1 Nghị định số 42/NĐ-CP quy định: “Bãi bỏ một số Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm:

  1. Nghị định số 14/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ ban hành bản Quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông – lâm – ngư – diêm nghiệp và kinh tế nông thôn.

  2. Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.

  3. Nghị định số 69/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.

  4. Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

  5. Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại.

  6. Nghị định số 05/2010/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật phá sản đối với các tổ chức tín dụng.”

1.3. Quyết định số 1417/QĐ-NHNN phê duyệt phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  • Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 1417/QĐ-NHNN ban hành ngày 09/07/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

  • Ngày có hiệu lực: 09/07/2018.

Nội dung có thể lưu ý:

  • Một là, 257 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được cắt giảm, đơn giản hóa. Trong đó, Quyết định số 1417/QĐ-NHNN cắt giảm, đơn giản hóa 84 điều kiện đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại; 52 điều kiện đối với hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; 59 điều kiện đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; 8 điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; 13 điều kiện cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; 19 điều kiện hoạt động ngoại hối của tổ chức không phải là tổ chức tín dụng; 12 điều kiện kinh doanh vàng; 6 điều kiện hoạt động in, đúc tiền; 4 điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ[6].

  • Hai là, quy định điều kiện đối với thành viên sáng lập, chủ sở hữu là tổ chức tín dụng nước ngoài của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Cụ thể, Mục I.3 của Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước (Ban hành kèm theo Quyết định số 1417/QĐ-NHNN ngày 09/7/2018) quy định: Điều kiện đối với thành viên sáng lập, chủ sở hữu là tổ chức tín dụng nước ngoài (35 41)

  1. Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động ngân hàng và các quy định pháp luật khác của nước nguyên xứ trong vòng 05 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm cấp Giấy phép;

  2. Có kinh nghiệm hoạt động quốc tế, được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp hạng từ mức ổn định trở lên, mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi;

  3. Có lãi trong 05 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm cấp Giấy phép;

  4. Có tổng tài sản có ít nhất tương đương 10 tỷ đôla Mỹ vào cuối năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

  5. Được cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đánh giá đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định của nước nguyên xứ vào năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm cấp Giấy phép;

  6. Không phải là chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng Việt Nam khác;

  7. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép, các thành viên sáng lập phải cùng nhau sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.”

1.4. Thông tư số 08/2018/TT-BTP hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 08/2018/TT-BTP ban hành ngày 20/6/2018 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

  • Ngày có hiệu lực: 04/08/2018.

Một số nội dung có thể lưu ý:

  • Một là, quy định các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản (sau đây gọi là Trung tâm Đăng ký); hợp đồng được đăng ký theo yêu cầu.

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 08/2018/TT-BTP quy định: “Các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng

1. Việc đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu tại Trung tâm Đăng ký bao gồm các trường hợp sau đây:

a) Thế chấp động sản, trừ tàu bay, tàu biển bao gồm cả thế chấp động sản hình thành trong tương lai;

b) Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản là động sản, trừ tàu bay, tàu biển có bảo lưu quyền sở hữu;

c) Thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký biện pháp bảo đảm đã đăng ký nêu tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này;

d) Văn bản thông báo việc xử lý tài sản bảo đảm đối với biện pháp bảo đảm đã đăng ký.

2. Các hợp đồng (trừ hợp đồng thuê mua tàu bay dân dụng theo quy định của pháp luật về hàng không, hợp đồng cho thuê tài chính đối với tàu bay theo quy định của pháp luật về cho thuê tài chính, hợp đồng thuê mua tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng hải, hợp đồng cho thuê tài chính đối với tàu biển mà không thuộc trường hợp nêu tại khoản 3 Điều 39 Thông tư số 30/2015/TT-NHNNngày 25/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở) được đăng ký theo yêu cầu bao gồm:

a) Hợp đồng thuê tài sản có thời hạn từ một năm trở lên hoặc hợp đồng có thời hạn thuê tài sản dưới một năm, nhưng các bên giao kết hợp đồng thỏa thuận về việc gia hạn và tổng thời hạn thuê (bao gồm cả thời hạn gia hạn) từ một năm trở lên;

b) Hợp đồng cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật về cho thuê tài chính;

c) Hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ, bao gồm quyền đòi nợ hiện có hoặc quyền đòi nợ hình thành trong tương lai;

d) Thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký hợp đồng đã đăng ký nêu tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều này”.

  • Hai là, quy định các tài sản bảo đảm được đăng ký tại Trung tâm Đăng ký theo yêu cầu.

Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 08/2018/TT-BTP quy định: “Tài sản thuộc trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm, hợp đồng

Các tài sản bảo đảm được đăng ký tại Trung tâm Đăng ký theo yêu cầu, gồm:

1. Ô tô, xe máy, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác; các phương tiện giao thông đường sắt.

2. Tàu cá; các phương tiện giao thông đường thủy nội địa.

3. Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các hàng hóa khác, kim khí quý, đá quý.

4. Tiền Việt Nam, ngoại tệ.

5. Phần vốn góp trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.

6. Cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ, séc và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch; các khoản phải thu hợp pháp của cá nhân, pháp nhân.

7. Các quyền tài sản theo quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự, trừ quyền sử dụng đất, gồm:

a) Quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền đòi nợ; quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên; quyền được bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng;

b) Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng thuê đóng tàu biển; quyền bồi thường thiệt hại phát sinh từ hợp đồng mua bán tàu bay, tàu biển; quyền thụ hưởng bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đối với tàu bay, tàu biển;

c) Các quyền tài sản là quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh nhà ở, hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê mua nhà ở (bao gồm cả nhà ở xã hội) giữa tổ chức với cá nhân hoặc giữa tổ chức, cá nhân với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong dự án xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở; các quyền tài sản là quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng mua bán, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê mua công trình xây dựng giữa tổ chức với cá nhân hoặc giữa tổ chức, cá nhân với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong dự án xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;

d) Quyền tài sản khác theo quy định của pháp luật.

8. Lợi tức, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với tài sản bảo đảm hoặc các lợi ích khác thu được từ tài sản bảo đảm nêu tại Điều này; lợi tức thu được từ việc khai thác tàu bay, tàu biển; lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; các khoản phải thu, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án xây dựng nhà ở, dự án xây dựng công trình.

9. Các động sản khác theo quy định tại khoản 2 Điều 107[7] của Bộ luật dân sự.

10. Nhà ở, công trình xây dựng khác được xây dựng tạm thời không được chứng nhận quyền sở hữu quy định tại khoản 2 Điều 35[8] Nghị định số 43/2014/NĐ-CPngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai như: tài sản được xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng bằng vật liệu tranh tre, nứa, lá, đất; công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính; hoặc các tài sản gắn liền với đất khác mà pháp luật chưa có quy định về chứng nhận quyền sở hữu như: nhà thép tiền chế, khung nhà xưởng, nhà lưới, nhà màng; giếng nước; giếng khoan; bể nước; sân; tường rào; cột điện; trạm điện; trạm bơm, hệ thống phát, tải điện; hệ thống hoặc đường ống cấp thoát nước sinh hoạt; đường nội bộ và các công trình phụ trợ khác”.

  • Ba là, quy định các vấn đề khác liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký: mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm, việc kê khai tài sản, các biểu mẫu đăng ký…

[1]“ Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

… 4. Khách hàng vay là tổ chức, cá nhân hoặc chủ thể khác theo quy định của pháp luật, có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

[2] “Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

…8. Tổ chức tự nguyện tham gia hệ thống thông tin tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tự nguyện) bao gồm:

a) Ngân hàng Phát triển Việt Nam, công ty có chức năng mua bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, công ty thông tin tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, chứng khoán;”

[3]“ Điều 5. Nguyên tắc hoạt động thông tin tín dụng

1. Tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.”

[4] Trung tâm Thông tin tín dụng (Credit Information Centre, viết tắt là CIC)

[5] “Điều 7. Cung cấp thông tin tín dụng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp cho CIC toàn bộ Hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này và được phân thành các nhóm chỉ tiêu sau:

a) Thông tin nhận dạng khách hàng vay là cá nhân, hộ kinh doanh cá thể; thông tin nhận dạng khách hàng vay là doanh nghiệp, tổ chức khác; thông tin nhận dạng chủ thẻ tín dụng;

b) Thông tin hợp đồng tín dụng;

c) Thông tin quan hệ tín dụng của khách hàng vay;

d) Thông tin tình trạng tài khoản thẻ tín dụng;

e) Thông tin bảo đảm tiền vay;

g) Thông tin tài chính của khách hàng vay là doanh nghiệp;

h) Thông tin đầu tư trái phiếu vào khách hàng vay là doanh nghiệp.”

[6] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, “NHNN đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 257 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN”,

[https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?centerWidth=80%25&dDocName=SBV344983&leftWidth=20%25&rightWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&_adf.ctrl-state=dqomvf35t_4&_afrLoop=1121173221870000#%40%3F_afrLoop%3D1121173221870000%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV344983%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dnumdg08nx_4] (12/07/2018)

[7] khoản 2 Điều 107 Bộ luật dân sự quy định: “2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.

[8] khoản 2 Điều 35 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định: “Tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu khi thuộc một trong các trường hợp sau:

…2. Nhà ở hoặc công trình xây dựng khác được xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng bằng vật liệu tranh tre, nứa, lá, đất; công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính;”