1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ NGÀY 01/02/2023

1.1. Thông tư số 18/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17 tháng 7 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 18/2022/TT-NHNN ban hành ngày 26/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNNngày 17 tháng 7 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Thông tư số 18/2022/TT-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 09/02/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện mua, bán nợ.

Cụ thể, khoản 3 Điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-NHNN quy định: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17 tháng 7 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

3. Sửa đổikhoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7và bổ sung khoản 11, 12 Điều 5 như sau:

“3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước thời điểm đề nghị chấp thuận hoạt động mua nợ, trừ tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép) và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước thời điểm ký hợp đồng mua nợ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 12 Điều này.

4. Trước khi thực hiện mua, bán nợ theo quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ (trong đó có quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ, phương thức thanh toán; quy trình mua, bán nợ; quy trình, phương pháp định giá khoản nợ; quy trình quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ).”

“6. Mua lại khoản nợ đã bán của tổ chức tín dụng:

a) Bên bán nợ không mua lại khoản nợ đã bán, trừ các trường hợp sau:

(i) Tổ chức tín dụng mua lại khoản nợ đã bán cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại điểm a khoản 12 Điều này;

(ii) Tổ chức tín dụng hỗ trợ mua lại khoản nợ đã bán cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 6 Điều 148đ Luật Các tổ chức tín dụng;

(iii) Tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc mua lại khoản nợ đã bán cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 12 Điều này.

b) Tổ chức tín dụng thực hiện mua lại khoản nợ đã bán quy định tại điểm a(ii), a(iii) khoản này theo nội dung đã cam kết mua lại khoản nợ tại phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp sau:

(i) Khoản nợ mua lại đang được tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt tại Ngân hàng Nhà nước nhưng không còn được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và bán thay thế bằng khoản nợ đủ tiêu chuẩn khác.

(ii) Đến hạn trả nợ vay đặc biệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chưa có đủ tiền để hoàn trả nợ vay đặc biệt cho Ngân hàng Nhà nước theo kế hoạch trả nợ vay đặc biệt.

7. Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ các trường hợp sau:

a) Bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản theo phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán nợ đủ tiêu chuẩn cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.”

“11. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ thuộc sở hữu của chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

  1. Tổ chức tín dụng không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ trong các trường hợp sau:a) Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 146a Luật Các tổ chức tín dụng;b) Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 148b Luật Các tổ chức tín dụng;c) Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;d) Các trường hợp mua nợ quy định tại điểm a(ii), a(iii) khoản 6 Điều này.””

1.2.  Thông tư số 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 20/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân (sau đây viết tắt là “Thông tư số 20/2022/TT-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều của tổ chức

Cụ thể, Điều 1 Thông tư số 20/2022/TT-NHNN quy định: “Điều 4. Các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều của tổ chức

  1. Các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức:a) Mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;b) Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;c) Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.
  2. Các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác:a) Trả thưởng cho người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia các chương trình, cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam theo các quy định của pháp luật có liên quan. Nguồn tiền trả thưởng từ người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc người cư trú là tổ chức;b) Chuyển tiền một chiều ra nước ngoài cho các mục đích dưới đây từ nguồn tài trợ tiếp nhận của người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài:

(i) Phân bổ tiền tài trợ cho các thành viên ở nước ngoài tham gia thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và nước ngoài;

(ii) Hoàn trả tiền tài trợ thực hiện các dự án ở Việt Nam theo các cam kết, thỏa thuận với bên nước ngoài.”

1.3. Quyết định số 181/QĐ-NHNN về việc công bố báo cáo định kỳ quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  • Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 181/QĐ-NHNN ban hành ngày 10/02/2023 của Ngân hàng Nhà nước về việc công bố báo cáo định kỳ quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-NHNNngày 30/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây viết tắt là “Quyết định số 181/QĐ-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định về việc báo cáo về tình hình mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức cho mục đích tài trợ, viện trợ ra nước ngoài.

Cụ thể, Mục 1 Danh mục Chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-NHNN ban hành kèm theo Quyết định số 181/QĐ-NHNN quy định:

STT Tên báo cáo Tần suất thực hiện Đối tượng thực hiện báo cáo Cơ quan nhận báo cáo Thời gian chốt số liệu Thời hạn nộp báo cáo Phương thức gửi, nhận Mẫu biểu báo cáo
1 Báo cáo về tình hình mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức cho mục đích tài trợ, viện trợ ra nước ngoài Định kỳ hàng tháng Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối) Thời gian chốt số liệu báo cáo được tính từ ngày 15 của tháng trước đến ngày 14 của tháng báo cáo Chậm nhất trước ngày 20 của tháng báo cáo Báo cáo được gửi theo phương thức thư điện tử về địa chỉ hộp thư điện tử baocaongoaite@sbv.gov.vn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phụ lục đính kèm

1.4. Quyết định số 313/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

  • Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 313/QĐ-NHNN ban hành ngày 14/03/2023 của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Quyết định số 313/QĐ-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 15/03/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định về các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 313/QĐ-NHNN quy định:Điều 1. Quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:

  1. Lãi suất tái cấp vốn: 6,0%/năm.
  2. Lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm.
  3. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 6,0%/năm.”

1.5. Quyết định số 314/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016

  • Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 314/QĐ-NHNN ban hành ngày 14/03/2023 của Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNNngày 30 tháng 12 năm 2016 (sau đây viết tắt là “Quyết định số 314/QĐ-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 15/03/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 314/QĐ-NHNN quy định:Điều 1. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:

  1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,0%/năm.
  2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng việt Nam là 6,0%/năm.”

1.6. Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/09/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về bảo lãnh ngân hàng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 11/2022/TT-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2023.

Một số nội dung có thể lưu ý:

  • Một là, quy định về những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng.

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định:Điều 5. Những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng

Khi thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng.”

  • Hai là, quy định về yêu cầu đối với khách hàng.

Cụ thể, Điều 11 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định: Điều 11. Yêu cầu đối với khách hàng

  1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng đáp ứng các yêu cầu sau đây:a) Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;b) Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp;c) Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
  2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích: cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và tăng quy mô vốn hoạt động.”

1.7. Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ban hành ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Thông tư số 17/2022/TT-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 01/06/2023.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.

Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 17/2022/TT-NHNN quy định:Điều 6. Quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng

  1. Tổ chức tín dụng xây dựng quy định nội bộ để quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng độc lập hoặc lồng ghép trong quy định nội bộ về cấp tín dụng và quy định nội bộ về kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, phù hợp với các quy định của pháp luật về hoạt động cấp tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng.
  2. Quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng bao gồm tối thiểu các nội dung sau:a) Nhận dạng, phân loại đề nghị cấp tín dụng phải thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng;b) Thông tin cần thu thập phục vụ công tác quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng;c) Đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với quy định tại Thông tư này;d) Quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng thực hiện trong quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt, quản lý tín dụng;đ) Báo cáo nội bộ về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.”