1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ NGÀY 01/11/2018
Thông tư số 24/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các thông tư, văn bản có quy định về chế độ báo cáo định kỳ
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 24/2018/TT-NHNN ban hành ngày 28/9/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các thông tư, văn bản có quy định về chế độ báo cáo định kỳ (say đây viết tắt là “Thông tư số 24/2018/NĐ-CP”).
-
Ngày có hiệu lực: 15/11/2018.
Nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, sửa đổi quy định về chế độ báo cáo trong hoạt động mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép[1].
Cụ thể, điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị định số 24/2018/TT-NHNN quy định: “Điều 10 Thông tư số 20/2011/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 10. Chế độ báo cáo
Tổ chức tín dụng được phép thực hiện báo cáo tình hình mua, bán ngoại tệ tiền mặt với cá nhân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.””
-
Hai là, bãi bỏ Phụ lục 3 – Phụ lục về mẫu báo cáo ban hành kèm theo Thông tư số 20/2011/TT-NHNN.
Cụ thể, điểm b khoản 3 Điều 1 Thông tư số 24/2018/TT-NHNN quy định: “Bãi bỏ Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2011/TT-NHNN.”
-
Ba là, bãi bỏ báo cáo định kỳ hàng năm về thực hiện các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng tại Thông tư số 47/2014/TT-NHNN.
Cụ thể, khoản 4 Thông tư số 24/2018/TT-NHH quy định: “Bãi bỏ báo cáo định kỳ hàng năm về thực hiện các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng tại Thông tư số 47/2014/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ ngân hàng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 47/2014/TT-NHNN) như sau:
Bãi bỏ khoản 1 Điều 20 Thông tư số 47/2014/TT-NHNN.”
-
Bốn là, bãi bỏ báo cáo định kỳ hàng năm về an toàn bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet tại Thông tư số 35/2016/TT-NHNN.
Cụ thể, khoản 5 Thông tư số 24/2018/TT-NHNN quy định: “Bãi bỏ báo cáo định kỳ hàng năm về an toàn bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet tại Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet (sau đây gọi tắt là Thông tư số 35/2016/TT-NHNN) như sau:
Bãi bỏ khoản 3 Điều 20 Thông tư số 35/2016/TT-NHNN.”
2. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH TRONG THÁNG 09/2018 VÀ THÁNG 10/2018
2.1. Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-NHNN hợp nhất nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do ngân hàng nhà nước việt nam ban hành
-
Tên văn bản pháp luật: Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-NHNN ban hành ngày 25/9/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hợp nhất nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành (sau đây viết tắt là “Văn bản hợp nhất số 17/7VBNH-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 25/9/2018.
Nội dung có thể lưu ý: hợp nhất Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 10 năm 2018 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP.
2.2. Thông tư số 18/2018/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng
-
Tên văn bản pháp luật: T ban hành ngày 21/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 18/2018/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 01/01/2019.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về quản lý tài sản công nghệ thông tin.
Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 18/2018/TT-NHNN quy định: “Quản lý tài sản công nghệ thông tin
1. Các loại tài sản công nghệ thông tin bao gồm:
a) Tài sản thông tin: các dữ liệu, thông tin ở dạng số được xử lý, lưu trữ thông qua hệ thống thông tin;
b) Tài sản vật lý: các thiết bị công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông, vật mang tin và các thiết bị phục vụ cho hoạt động của hệ thống thông tin;
c) Tài sản phần mềm: các phần mềm hệ thống, phần mềm tiện ích, phần mềm lớp giữa, cơ sở dữ liệu, chương trình ứng dụng, mã nguồn và công cụ phát triển.
2. Tổ chức lập danh sách của tất cả các tài sản công nghệ thông tin gắn với từng hệ thống thông tin theo quy định tại Khoản 3, Điều 4[2] Thông tư này. Định kỳ hàng năm rà soát và cập nhật danh sách tài sản công nghệ thông tin.
3. Căn cứ theo mức độ quan trọng của hệ thống thông tin, tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp với từng loại tài sản công nghệ thông tin.
4. Căn cứ phân loại tài sản công nghệ thông tin tại Khoản 1 Điều này, tổ chức xây dựng và thực hiện các quy định về quản lý và sử dụng tài sản theo quy định tại Điều 7, 8, 9, 10 và Điều 11 Thông tư này.”
-
Hai là, quy định những công việc tổ chức[3] cần thực hiện khi cá nhân trong tổ chức chấm dứt hoặc thay đổi công việc.
Cụ thể, Điều 15 Thông tư số 18/2018/TT-NHNN quy định: “Chấm dứt hoặc thay đổi công việc
Khi cá nhân trong tổ chức chấm dứt hoặc thay đổi công việc, tổ chức thực hiện:
-
Xác định trách nhiệm của cá nhân khi chấm dứt hoặc thay đổi công việc.
-
Yêu cầu cá nhân bàn giao lại tài sản công nghệ thông tin.
-
Thu hồi ngay quyền truy cập hệ thống thông tin của cá nhân nghỉ việc.
-
Thay đổi kịp thời quyền truy cập hệ thống thông tin của cá nhân thay đổi công việc bảo đảm nguyên tắc quyền vừa đủ để thực hiện nhiệm vụ được giao.
-
Rà soát, kiểm tra đối chiếu định kỳ tối thiểu sáu tháng một lần giữa bộ phận quản lý nhân sự và bộ phận quản lý cấp phát, thu hồi quyền truy cập hệ thống thông tin nhằm bảo đảm tuân thủ Khoản 3, Khoản 4 Điều này.
-
Thông báo cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Công nghệ thông tin) các trường hợp cá nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin của tổ chức bị kỷ luật với hình thức sa thải, buộc thôi việc hoặc bị truy tố trước pháp luật do vi phạm quy định về an toàn thông tin.”
-
Ba là, quy định về tiêu chí lựa chọn bên thứ ba cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Cụ thể, Điều 33 Thông tư số 18/2018/TT-NHNN quy định: “Tiêu chí lựa chọn bên thứ ba cung cấp dịch vụ điện toán đám mây
Tiêu chí lựa chọn bên thứ ba bao gồm các nội dung tối thiểu sau:
1. Bên thứ ba phải là doanh nghiệp.
2. Có hạ tầng công nghệ thông tin tương ứng với dịch vụ mà tổ chức sử dụng đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Các quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Có chứng nhận quốc tế còn hiệu lực về bảo đảm an toàn thông tin.”
2.3. Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ban hành ngày 28/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc (sau đây viết tắt là “Thông tư số 19/2018/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 12/10/2018.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về đối tượng áp dụng của Thông tư sô 19/2018/TT-NHNN.
Cụ thể, Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN quy định: “Đối tượng áp dụng
-
Thương nhân Việt Nam, thương nhân Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
-
Cư dân biên giới Việt Nam, cư dân biên giới Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
-
Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối tại Việt Nam (sau đây gọi là ngân hàng được phép).
-
Chi nhánh của ngân hàng được phép đặt tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc (sau đây gọi là chi nhánh ngân hàng biên giới).
-
Tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế, tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan tại vùng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc.
-
Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.”
-
Hai là, quy định về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu CNY tiền mặt và VND tiền mặt
Cụ thể, Điều 15 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN quy định: “Xuất khẩu, nhập khẩu CNY tiền mặt và VND tiền mặt
1. Ngân hàng được phép có chi nhánh ngân hàng biên giới được thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu CNY tiền mặt và VND tiền mặt để điều hòa lượng tiền mặt phục vụ hoạt động kinh doanh của chi nhánh ngân hàng biên giới.
2. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu CNY tiền mặt và VND tiền mặt được thực hiện qua cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc.
3. Ngân hàng được phép có chi nhánh ngân hàng biên giới khi xuất khẩu, nhập khẩu CNY tiền mặt và VND tiền mặt có trách nhiệm:
a) Khai báo Hải quan cửa khẩu theo quy định của pháp luật;
b) Có biện pháp quản lý, giám sát, bảo đảm an toàn trong việc giao nhận, bảo quản và vận chuyển CNY tiền mặt và VND tiền mặt;
c) Tự chịu rủi ro liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền mặt.”
-
Ba là, quy định trách nhiệm của ngân hàng được phép trong quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Cụ thể, Điều 19 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN quy định: “Trách nhiệm của ngân hàng được phép
1. Ngân hàng được phép có trách nhiệm:
a) Chấp hành đầy đủ và hướng dẫn khách hàng thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư này;
b) Xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Ngân hàng được phép có chi nhánh ngân hàng biên giới ngoài các trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều này còn có trách nhiệm:
a) Niêm yết, công bố tỷ giá mua, tỷ giá bán CNY/VND tại chi nhánh ngân hàng biên giới theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
b) Ban hành văn bản nội bộ về hoạt động ủy thác thanh toán bằng đồng CNY và hoạt động thanh toán bằng đồng CNY trong hệ thống ngân hàng được phép phù hợp với quy định tại Thông tư này và pháp luật có liên quan;
c) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên khi thỏa thuận hợp tác thanh toán với ngân hàng của Trung Quốc.”
2.4. Thông tư số 20/2018/TT-NHNN quy định về giám sát các hệ thống thanh toán
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 20/2018/TT-NHNN ban hành ngày 30/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giám sát các hệ thống thanh toán (sau đây viết tắt là “Thông tư số 20/2018/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 01/01/2019.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, giải thích các từ ngữ “Hệ thống thanh toán”, “Hệ thống thanh toán quan trọng”.
Cụ thể, khoản 1, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 20/2018/TT-NHNN quy định:
“1. Hệ thống thanh toán là hệ thống bao gồm các phương tiện thanh toán, các quy định, quy trình, thủ tục, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tổ chức vận hành và các thành viên tham gia để xử lý, bù trừ, quyết toán các giao dịch thanh toán phát sinh giữa các thành viên tham gia.
2. Hệ thống thanh toán quan trọng là hệ thống thanh toán có vai trò chủ đạo trong việc phục vụ nhu cầu thanh toán của các chủ thể trong nền kinh tế, có khả năng phát sinh rủi ro hệ thống, đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau:
a) Là hệ thống thanh toán duy nhất hoặc chiếm tỷ trọng lớn trên tổng giá trị thanh toán so với các hệ thống thanh toán cùng loại; hoặc
b) Là hệ thống xử lý các giao dịch thanh toán giá trị cao; hoặc
c) Là hệ thống được sử dụng để quyết toán cho các hệ thống thanh toán khác hoặc cho các giao dịch trên thị trường tài chính.
Các hệ thống thanh toán quan trọng quy định tại Thông tư này bao gồm: Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia; Hệ thống thanh toán ngoại tệ (do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam vận hành); Hệ thống thanh toán tiền giao dịch chứng khoán; Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính.”
-
Hai là, quy định về nội dung giám sát của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia.
Cụ thể, Điều 8 Thông tư số 20/2018/TT-NHNN quy định: “Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia
-
Tình hình hoạt động chung của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia, bao gồm thông tin về thời gian hoạt động, tình hình thành viên tham gia, tình hình giao dịch thanh toán của từng dịch vụ được cung ứng (dịch vụ thanh toán giá trị cao, dịch vụ thanh toán giá trị thấp, dịch vụ thanh toán ngoại tệ, dịch vụ quyết toán ròng cho các hệ thống thanh toán khác).
-
Tình hình rủi ro phát sinh và quản trị rủi ro đối với rủi ro vận hành, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro quyết toán của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia.
-
Việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến quản lý, vận hành Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia.
-
Những thay đổi trong hoạt động của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia, bao gồm những thay đổi về tính năng của hệ thống, quy trình, thủ tục nội bộ của hệ thống.”
-
Ba là, ban hành các Phụ lục nhằm thực hiện Thông tư số 20/2018/TT-NHNN.
Cụ thể,
-
Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-NHNN quy định về Số liệu hoạt động của Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia.
-
Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-NHNN quy định Số liệu hoạt động của Hệ thống thanh toán ngoại tệ, Hệ thống thanh toán tiền giao dịch chứng khoán, hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính.
-
Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-NHNN quy định về Báo cáo tình hình vận hành hệ thống thanh toán quan trọng.
-
Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-NHNN quy định về Thông báo sự cố.
-
Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-NHNN quy định về Báo cáo đánh giá hệ thống thanh toán.
2.5. Quyết định số 1403/QĐ-TCT về việc ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa hệ thống của Tổng cục Thuế và Ngân hàng thương mại, Đơn vị trung gian thanh toán đáp ứng nộp thuế điện tử bằng hình thức nộp qua Internet Banking
-
Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 1403/QĐ-TCT ban hành ngày 30/8/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa hệ thống của Tổng cục Thuế và Ngân hàng thương mại, Đơn vị trung gian thanh toán đáp ứng nộp thuế điện tử bằng hình thức nộp qua Internet Banking (sau đây viết tắt là “Quyết định số 1403/QĐ-TCT”).
-
Ngày có hiệu lực: 30/8/2018.
Nội dung có thể lưu ý: ban hành “Chuẩn trao đổi dữ liệu giữa hệ thống của Tổng cục Thuế và Ngân hàng thương mại, Đơn vị trung gian thanh toán đáp ứng nộp thuế điện tử bằng hình thức nộp qua Internet Banking” kèm theo Quyết định số 1403/QĐ-TCT (sau đây viết tắt là “Chuẩn trao đổi dữ liệu”). Chuẩn trao đổi dữ liệu bao gồm một số nội dung sau đây: Dữ liệu trao đổi giữa Tổng cục Thuế và Ngân hàng thương mại, Đơn vị trung gian thanh toán (Mục II Chuẩn trao đổi dữ liệu), Định dạng dữ liệu (Mục III Chuẩn trao đổi dữ liệu), Các loại danh mục (Mục IV Chuẩn trao đổi dữ liệu).
2.6. Thông tư số 21/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 21/2018/TT-NHNN ban hành ngày 31/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia.
(Thông tư số 37/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia sau đây viết tắt là “Thông tư số 37/2016/TT-NHNN”.
Thông tư số 21/2018/TT-NHNN ban hành ngày 31/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia sau đây viết tắt là “Thông tư số 21/2018/TT-NHNN”.)
-
Ngày có hiệu lực: 31/8/2018.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, sửa đổi, bổ sung hiệu lực thi hành của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN.
Cụ thể, Điều 1 Thông tư số 21/2018/TT-NHNN quy định: “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia như sau:
Điều 52 (Thông tư số 37/2016/TT-NHNN) được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 52. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.
2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các văn bản sau hết hiệu lực:
a) Thông tư số 23/2010/TT-NHNN ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng;
b) Thông tư số 13/2013/TT-NHNN ngày 11 tháng 6 năm 2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2010/TT-NHNN ngày 09 ngày 11 tháng 2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng;
c) Điều 6 Thông tư số 23/2011/TT-NHNNngày 31 tháng 8 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực hoạt động thanh toán và các lĩnh vực khác theo Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước.””
-
Hai là, Thông tư số 23/2017/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN hết hiệu lực kể từ ngày 31/8/2018.
Cụ thể, Điều 3 Thông tư số 21/2018/TT-NHNN quy định: “Thông tư này (Thông tư số 21/2018/TT-NHNN) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 8 năm 2018 và thay thế Thông tư số 23/2017/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia.”
2.7. Thông tư số 22/2018/TT-NHNN hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 22/2018/TT-NHNN ban hành ngày 05/9/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Thông tư số 22/2018/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 01/11/2018.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về các loại văn bản cần có trong hồ sơ đề nghị chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN quy định hồ sơ đề nghị chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng bao gồm:
-
“Văn bản của tổ chức tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự” (Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN)
-
“Văn bản thông qua danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng (đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát phải nêu rõ nhiệm kỳ)” (khoản 2 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN);
-
“Lý lịch cá nhân của nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm theo mẫu Phụ lục số 01 đính kèm Thông tư này” (khoản 3 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN);
-
“Phiếu lý lịch tư pháp của nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm (khoản 4 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN);
-
“Bản kê khai người có liên quan của nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm theo mẫu Phụ lục số 02 đính kèm Thông tư này” (khoản 5 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN);
-
“Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ chuyên môn của nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm, trong đó văn bằng của người có quốc tịch Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận theo quy định của pháp luật có liên quan” (khoản 6 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN);
-
“Các tài liệu chứng minh việc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện đối với nhân sự dự kiến giữ chức danh thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên tổ chức tín dụng quy định tại điểm d[4]khoản 1 Điều 50 Luật Các tổ chức tín dụng” (khoản 7 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN);
-
“Các tài liệu chứng minh việc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện đối với nhân sự dự kiến giữ chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng quy định tại điểm d[5] khoản 4 Điều 50 Luật Các tổ chức tín dụng” (khoản 8 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN);
-
“Tài liệu chứng minh việc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện “có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kế toán hoặc kiểm toán” đối với nhân sự dự kiến giữ chức danh thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng quy định tại điểm c[6] khoản 3 Điều 50 Luật Các tổ chức tín dụng: Văn bản của người đại diện có thẩm quyền của đơn vị nơi nhân sự đã hoặc đang làm việc xác nhận nhân sự làm việc trực tiếp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kế toán hoặc kiểm toán và thời gian nhân sự làm việc tại lĩnh vực này hoặc bản sao các văn bản chứng minh lĩnh vực công tác, thời gian đảm nhận nhiệm vụ của nhân sự tại lĩnh vực này” (khoản 9 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN);
-
“Đối với nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm thuộc trường hợp quy định tại điểm đ[7], e[8] khoản 2 Điều 33 Luật Các tổ chức tín dụng: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cử nhân sự dự kiến làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng.” (khoản 10 Điều 6 Thông tư số 22/2018/TT-NHNN).
-
Hai là, ban hành các mẫu văn bản của hồ sơ đề nghị chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, mẫu Sơ yếu lý lịch, mẫu Bản kê khai người có liên quan, mẫu Thông báo danh sách những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc),… được quy định lần lượt tại các phụ lục số 01, 02, 03,… ban hành kèm Thông tư số 22/2018/TT-NHNN.
2.8. Nghị định số 117/2018/NĐ-CP về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
-
Tên văn bản pháp luật: Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ban hành ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Nghị định số 117/2018/NĐ-CP”).
-
Ngày có hiệu lực: 01/11/2018.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, Điều 4 Nghị định 117/2018.NĐ-CP quy định: “Nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng
-
Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan.
-
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng khi truy cập các dịch vụ ngân hàng bao gồm mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập của khách hàng, thông tin xác thực khách hàng khác cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng đó.
-
Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân chỉ được yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.
-
Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
-
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu đối với thông tin khách hàng, hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, việc giao nhận thông tin khách hàng.”
-
Hai là, quy định các trường hợp cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức, cá nhân
Cụ thể, Điều 11 Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định: “Các trường hợp cung cấp thông tin khách hàng
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cung cấp thông tin khách hàng cho tổ chức khác, cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức khác, cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng được quy định cụ thể tại bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội.
b) Có chấp thuận của khách hàng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm cung cấp thông tin khách hàng cho chính khách hàng hoặc người đại diện hợp pháp của khách hàng đó.”
-
Ba là, quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong trong việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng.
Cụ thể, Điều 11 Nghị định số 117/2018/NĐ-CP quy định: “Quyền và trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân bổ sung thông tin, tài liệu yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng phù hợp với quy định của Nghị định này;
b) Từ chối cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân đối với yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật, Nghị định này hoặc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng bị trùng lắp, không thuộc phạm vi thông tin khách hàng mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang lưu giữ theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm sau đây:
a) Cung cấp thông tin khách hàng trung thực, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng và phạm vi thông tin được yêu cầu cung cấp;
b) Đảm bảo an toàn, bí mật thông tin khách hàng trong quá trình cung cấp, quản lý, sử dụng, lưu trữ thông tin khách hàng;
c) Giải quyết khiếu nại của khách hàng trong việc cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;
d) Tổ chức giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp thông tin khách hàng;
đ) Chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định của Nghị định này, pháp luật có liên quan.”
2.9. Thông tư số 23/2018/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 23/2018/TT-NHNN ban hành ngày 14/9/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân (sau đây viết tắt là “Thông tư số 23/2018/TT-NHNN”).
-
Ngày có hiệu lực: 01/11/2018.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về nguyên tắc tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân.
Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 23/2018/TT-NHNN quy định: “Nguyên tắc tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân
-
Tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
-
Việc tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện trên cơ sở phương án tổ chức lại được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phê duyệt phù hợp với quy định của pháp luật.
-
Bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục của quỹ tín dụng nhân dân; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên quỹ tín dụng nhân dân, khách hàng trong quá trình tổ chức lại.
-
Việc chuyển nhượng, mua bán tài sản trong quá trình tổ chức lại quỹ tín dụng nhân dân phải đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên, đảm bảo an toàn tài sản và không ảnh hưởng đến quyền lợi của quỹ tín dụng nhân dân thực hiện tổ chức lại, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc tổ chức lại.
-
Quỹ tín dụng nhân dân sau khi tổ chức lại kế thừa quyền và nghĩa vụ của quỹ tín dụng nhân dân thực hiện tổ chức lại theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên.
-
Giấy phép của quỹ tín dụng nhân dân bị chia, quỹ tín dụng nhân dân tham gia hợp nhất hết hiệu lực khi quỹ tín dụng nhân dân hình thành mới khai trương hoạt động. Giấy phép của quỹ tín dụng nhân dân bị sáp nhập hết hiệu lực khi quỹ tín dụng nhân dân nhận sáp nhập hoàn thành thủ tục thay đổi đăng ký hợp tác xã.”
-
Hai là, quy định các trường hợp thu hồi Giấy phép của quỹ tín dụng nhân dân.
Cụ thể, Điều 16 Thông tư số 23/2018/TT-NHNN quy định: “Các trường hợp thu hồi Giấy phép
-
Quỹ tín dụng nhân dân tự nguyện xin giải thể khi có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
-
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép quỹ tín dụng nhân dân có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép.
-
Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép.
-
Quỹ tín dụng nhân dân vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.
-
Quỹ tín dụng nhân dân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.
-
Quỹ tín dụng nhân dân bị chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản.
-
Quỹ tín dụng nhân dân hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chấp thuận bằng văn bản.”
[1] Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối
[2] “Điều 4. Phân loại thông tin và hệ thống thông tin
-
Tổ chức thực hiện phân loại hệ thống thông tin theo mức độ quan trọng quy định tại Khoản 2 Điều này. Danh sách hệ thống thông tin theo mức độ quan trọng phải được người đại diện hợp pháp phê duyệt.”
[3] Tổ chức bao gồm: tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (khoản 2 Điều 1 Thông tư số 18/TT-NHNN).
[4] “Có ít nhất 03 năm là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 05 năm là người quản lý, người điều hành của doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc của doanh nghiệp khác có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng hoặc có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp tại bộ phận nghiệp vụ về tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán”
[5] “Có ít nhất 05 năm là người điều hành của tổ chức tín dụng hoặc có ít nhất 05 năm là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình tổ chức tín dụng tương ứng và có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc có ít nhất 10 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán”
[6] “Có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán; có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kế toán hoặc kiểm toán”
[7] “Cán bộ, công chức, người quản lý từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm từ 50% vốn điều lệ trở lên, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng”
[8] “Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng”