1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ NGÀY 01/08/2022

1.1. Thông tư số 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ban hành ngày 16/06/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Thông tư số 04/2022/TT-NHNN”)

  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2022.

Một số nội dung có thể lưu ý: Quy định về lãi suất rút trước hạn tiền gửi

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN quy định: “Điều 5. Lãi suất rút trước hạn tiền gửi

  1. Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

  2. Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi:a) Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi;b) Đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

1.2. Thông tư số 05/2022/TT-NHNN bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng nhà nước việt nam ban hành

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 05/2022/TT-NHNN ban hành ngày 29/06/2022 của Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng nhà nước việt nam ban hành (sau đây viết tắt là “Thông tư số 05/2022/TT-NHNN”)

  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2022.

Một số nội dung có thể lưu ý: Bãi bỏ (i) Quyết định số 1557/2001/QĐ-NHNN ngày 14 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế thanh toán bù trừ điện tử liên ngân hàng; và (ii) Thông tư số 27/2014/TT-NHNN ngày 18 tháng 9 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2010/TT-NHNN ngày 25/6/2010 về hướng dẫn thi hành Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12/02/2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng.

Cụ thể, khoản 1 và khoản 7 Điều 1 Thông tư số 05/2022/TT-NHNN quy định:Điều 1. Bãi bỏ toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật

Bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành sau đây:

1. Quyết định số 1557/2001/QĐ-NHNN ngày 14 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế thanh toán bù trừ điện tử liên ngân hàng.

7. Thông tư số 27/2014/TT-NHNN ngày 18 tháng 9 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2010/TT-NHNN ngày 25/6/2010 về hướng dẫn thi hành Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12/02/2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng.

1.3. Thông tư số 06/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2018/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 06/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/06/2022 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2018/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt lần lượt là “Thông tư số 06/2022/TT-NHNN” và “Thông tư số 50/2018/TT-NHNN”)

  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2022.

Một số nội dung có thể lưu ý:

  • Một là, sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận thay đổi quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 50/2018/TT-NHNN.

Cụ thể, khoản 1 Điều 1 Thông tư số 06/2022/TT-NHNN quy định: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2018/TT-NHNN

1. Sửa đổi, bổ sungkhoản 4 Điều 3[1]như sau:

“4. Hồ sơ được nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố được phân cấp (sau đây gọi chung là Ngân hàng Nhà nước).””

  • Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền chấp thuận thay đổi được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 50/2018/TT-NHNN.

Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2022/TT-NHNN quy định: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2018/TT-NHNN


2. Sửa đổi, bổ sungkhoản 1 Điều 4[2]như sau:

“1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận những nội dung thay đổi quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này đối với ngân hàng thương mại và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy mô lớn theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; nội dung thay đổi địa điểm đặt trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác địa bàn tỉnh, thành phố nơi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang đặt trụ sở.””

1.4. Thông tư số 08/2022/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 08/2022/TT-NHNN ban hành ngày 30/06/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 08/2022/TT-NHNN”)

  • Ngày có hiệu lực: 01/09/2022.

Nội dung có thể lưu ý: Quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 08/2022/TT-NHNN quy định: “Điều 5. Trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng

1. Trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng thực hiện như sau:

a) Bước 1: Thu thập, tổng hợp, xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu;b) Bước 2: Thực hiện các nội dung giám sát tuân thủ và/hoặc giám sát rủi ro;c) Bước 3: Lập báo cáo giám sát, đề xuất các biện pháp xử lý.

2. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ về việc thực hiện kết luận thanh tra và quy định tại Thông tư này.

2. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH TRONG THÁNG 07/2022

Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

  • Tên văn bản pháp luật: Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-NHNN ban hành ngày 07/07/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

  • Ngày có hiệu lực: 07/07/2022.

Nội dung có thể lưu ý: Hợp nhất (i) Thông tư số 50/2018/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2019; và (ii) Thông tư số 06/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2018/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2022.

[1] Điều 3. Nguyên tắc lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận thay đổi

4. Hồ sơ được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố được phân cấp (sau đây gọi chung là Ngân hàng Nhà nước).

[2] Điều 4. Thẩm quyền chấp thuận thay đổi

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận những nội dung thay đổi quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này đối với ngân hàng thương mại và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy mô lớn theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.