1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ NGÀY 01/12/2019
1.1. Thông tư số 16/2019/TT-NHNN quy định về phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 16/2019/TT-NHNN ban hành ngày 22/10/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (sau đây viết tắt là “Thông tư số 16/2019/TT-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 09/12/2019.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về các điều kiện, điều khoản cơ bản của tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, Điều 4 Thông tư số 16/2019/TT-NHNN quy định: “Điều 4. Các điều kiện, điều khoản cơ bản của tín phiếu Ngân hàng Nhà nước
-
Đối tượng: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành cho tổ chức tín dụng có tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước.
-
Đồng tiền phát hành: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành, hạch toán và thanh toán bằng đồng Việt Nam.
-
Thời hạn: Thời hạn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quyết định và không vượt quá 364 ngày.
-
Mệnh giá: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước có mệnh giá là 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng) hoặc bội số của 100.000 đồng.
-
Hình thức: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành dưới hình thức ghi sổ.
-
Lãi suất: Lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quyết định, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
-
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành với giá bán thấp hơn mệnh giá và được thanh toán một lần bằng mệnh giá vào ngày tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đến hạn thanh toán.”
-
Hai là, quy định về thanh toán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, Điều 7 Thông tư số 16/2019/TT-NHNN quy định: “Điều 7. Thanh toán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước
-
Tổ chức tín dụng thanh toán số tiền mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành theo phương thức đấu thầu thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về nghiệp vụ thị trường mở.
-
Tổ chức tín dụng thanh toán số tiền mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành theo phương thức bắt buộc như sau: Tổ chức tín dụng phải chuyển tiền mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước vào tài khoản theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước trong ngày thanh toán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức tín dụng phải đảm bảo ghi đầy đủ thông tin trên lệnh chuyển tiền theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
-
Vào ngày tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đến hạn thanh toán, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh toán số tiền bằng mệnh giá tín phiếu Ngân hàng Nhà nước cho tổ chức tín dụng. Trường hợp ngày tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đến hạn thanh toán là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì việc thanh toán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được thực hiện vào ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày nghỉ đó.”
1.2. Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
-
Tên văn bản pháp luật: Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (sau đây viết tắt là “Nghị định số 88/2019/NĐ-CP”)
-
Ngày có hiệu lực: 31/12/2019.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về xử phạt liên quan đến vi phạm quy định về nhận ủy thác và ủy thác.
Cụ thể, Điều 15 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định: “Điều 15. Vi phạm quy định về nhận ủy thác và ủy thác
1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Nhận ủy thác, ủy thác không đúng đối tượng, phạm vi theo quy định của pháp luật;
b) Lập hợp đồng ủy thác không đúng theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi nhận ủy thác, ủy thác không tuân thủ các nguyên tắc ủy thác theo quy định của pháp luật.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ nghiệp vụ ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hoàn trả/thu hồi tài sản ủy thác cho bên ủy thác đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Đề nghị hoặc yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng biện pháp đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc miễn nhiệm chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát; không cho đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành, kiểm soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cá nhân vi phạm và/hoặc cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cách chức và thực hiện các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”
-
Hai là, quy định xử phạt liên quan đến vi phạm quy định về quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.
Cụ thể, Điều 40 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định: “Điều 40. Vi phạm quy định về quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
1. Không ban hành quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền;
2. Không xây dựng quy định về phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền;
3. Không ban hành quy định nội bộ hoặc ban hành quy định nội bộ thiếu một hoặc một số nội dung quy định tại Điều 20 Luật Phòng, chống rửa tiền.”
2. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH TRONG THÁNG 11/2019
2.1. Quyết định số 2307/QĐ-NHNN về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động ngoại hối thực hiện tại bộ phận một cửa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
-
Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 2307/QĐ-NHNN ban hành ngày 05/11/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực hoạt động ngoại hối thực hiện tại bộ phận một cửa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây viết tắt là “Quyết định số 23075/QĐ-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 25/11/2019.
Nội dung có thể lưu ý: Quy định về thủ tục chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế.
Cụ thể, tiểu mục 3 Mục 3 Phần B Quyết định số 2307/QĐ-NHNN quy định: “B. Thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố
…
1. Thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố
2. Thủ tục chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế
– Trình tự thực hiện:
+ Bước 1: Tổ chức kinh tế gửi 01 (một) bộ hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính.
+ Bước 2: Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ.
+ Bước 3: Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính xem xét, cấp văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính có văn bản thông báo rõ lý do.
– Cách thức thực hiện:
+ Trụ sở cơ quan hành chính (trực tiếp tại Bộ phận Một cửa);
+ hoặc dịch vụ bưu chính.
– Thành phần hồ sơ:
+ Đơn đề nghị chấp thuận trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ (theo mẫu tại Phụ lục 01 Thông tư số 34/2015/TT-NHNN);
+ Bản sao các giấy tờ chứng minh việc tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các giấy tờ khác tương đương theo quy định của pháp luật;
+ Bản sao kèm bản dịch tiếng Việt hợp đồng nhận và chi, trả ngoại tệ ký với đối tác nước ngoài, bao gồm những nội dung chính sau:
(i) Tên, địa chỉ, người đại diện và tư cách pháp nhân của các bên;
(ii) Số tài khoản, ngân hàng nơi mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của trụ sở chính tổ chức kinh tế;
(iii) Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
(iv) Nguyên tắc áp dụng tỷ giá trong trường hợp người thụ hưởng có nhu cầu nhận bằng đồng Việt Nam (nếu có);
(v) Phí hoa hồng được hưởng;
(vi) Các thỏa thuận khác (về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, thời hạn của hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, giải quyết tranh chấp phát sinh và các thỏa thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật);
+ Phương án thực hiện dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ, bao gồm những nội dung chính sau:
(i) Địa bàn hoạt động và nguồn nhân lực dự kiến;
(ii) Nội dung, phương thức, quy trình nhận và chi, trả ngoại tệ;
(iii) Dự kiến về doanh số, thu nhập từ hoạt động nhận và chi, trả ngoại tệ;
+ Bản sao kèm bản dịch tiếng Việt văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài.
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ
– Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức kinh tế.
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ.
– Lệ phí: Không
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
Đơn đề nghị chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ (Phụ lục 01 Thông tư số 34/2015/TT-NHNN).
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
+ Có hợp đồng với đối tác nước ngoài về dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ;
+ Có phương án thực hiện dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ do người đại diện hợp pháp ký.
– Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
+ Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế;
+ Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều kiện của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
+ Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg ngày 19/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước;
+ Thông tư số 15/2019/TT-NHNN ngày 11/10/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ, thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối;
+ Thông tư số 34/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ;
+ Thông tư số 11/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ, hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, bàn đổi ngoại tệ của cá nhân.”
2.2. Nghị định số 86/2019/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
-
Tên văn bản pháp luật: Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Nghị định số 86/2019/NĐ-CP”)
-
Ngày có hiệu lực: 15/01/2020.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về mức vốn pháp định của các ngân hàng.
Cụ thể, khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định số 86/2019/NĐ-CP quy định: “Điều 2. Mức vốn pháp định
-
Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng.
-
Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng.
-
Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng.
-
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu đô la Mỹ (USD).”
-
Hai là, quy định quy định chuyển tiếp liên quan đến mức vốn pháp định đối với tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, khoản 1 Điều 3 quy định: “Điều 3. Quy định chuyển tiếp
-
Tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải bảo đảm có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định quy định tại Điều 2 Nghị định này kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.”
2.3. Thông tư số 24/2019/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với tổ chức tín dụng
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 24/2019/TT-NHNN ban hành ngày 18/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với tổ chức tín dụng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 24/2019/TT-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 18/01/2020.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về lãi suất.
Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 24/2019/TT-NHNN quy định: “Điều 6. Lãi suất
-
Lãi suất tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng là lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố trong từng thời kỳ tại thời điểm khoản tái cấp vốn được giải ngân, gia hạn.
-
Lãi suất đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn bằng 150% lãi suất đang áp dụng đối với khoản tái cấp vốn.”
-
Hai là, quy định về thời hạn tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn.
Cụ thể, Điều 7 Thông tư số 24/2019/TT-NHNN quy định: “Điều 7. Thời hạn tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn
-
Thời hạn tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng do Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định và phải dưới 12 tháng.
-
Thời gian gia hạn mỗi lần không vượt quá thời hạn vay tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn không quá 12 tháng.”
2.4. Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014
-
Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ban hành ngày 18/11/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNNngày 17 tháng 3 năm 2014 (sau đây viết tắt là “Quyết định số 2415/QĐ-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 19/11/2019.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.
Cụ thể Điều 1 Quyết định số 2415/QĐ-NHNN quy định: “Điều 1. Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 như sau:
-
Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,8%/năm.
-
Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.”
-
Hai là, quy định chuyển tiếp đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định số 2415/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, khoản 2 Điều 2 Quyết định số 2415/QĐ-NHNN quy định: “Điều 2.
…
2. Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này.”
2.5. Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016
-
Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ban hành ngày 18/11/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNNngày 30 tháng 12 năm 2016 (sau đây viết tắt là “Quyết định số 2416/QĐ-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 19/11/2019.
Nội dung có thể lưu ý: Quy định mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016.
Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 2416/QĐ-NHNN quy định: “Điều 1. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:
-
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6,0%/năm.
-
Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 7,0%/năm.”
2.6. Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ban hành ngày 15/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Thông tư số 22/2019/TT-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 01/01/2020.
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về hạn chế, giới hạn cấp tín dụng.
Cụ thể, Điều 10 Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định: “Điều 10. Hạn chế, giới hạn cấp tín dụng
1. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tuân thủ quy định về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng theo Điều 126, Điều 127 và Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng(đã được sửa đổi, bổ sung).
2. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ vốn tự có được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này tại cuối ngày làm việc gần nhất để xác định hạn chế, giới hạn cấp tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Vốn tự có được xác định như sau:
a) Đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư này, ngân hàng sử dụng vốn tự có riêng lẻ, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng vốn tự có theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
b) Đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng vốn tự có theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.”
-
Hai là, quy định về quản lý cấp tín dụng.
Cụ thể, Điều 13 Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định: “Điều 13. Quản lý cấp tín dụng
1. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quản lý hoạt động cấp tín dụng theo quy định của pháp luật và Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay để bảo đảm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này.
2. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập, cập nhật ngay khi có thay đổi danh sách cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, thành viên góp vốn, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, người điều hành và các chức danh quản lý khác theo quy định của pháp luật, điều lệ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng và những người có liên quan của những người này. Danh sách này phải được công khai trong toàn hệ thống của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a, b khoản 6 Điều 4 Thông tư này.
3. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo cho:
a) Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên các khoản cấp tín dụng cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng(đã được sửa đổi, bổ sung) phát sinh đến thời điểm lấy số liệu để họp Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên;
b) Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, người quản lý, người điều hành khi phát sinh khoản cấp tín dụng cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng(đã được sửa đổi, bổ sung);
c) Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê các khoản cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng(đã được sửa đổi, bổ sung).
4. Khoản cấp tín dụng cho công ty con, công ty liên kết và đối tượng trong danh sách quy định tại khoản 2 Điều này (trừ trường hợp không được cấp tín dụng quy định tại Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng(đã được sửa đổi, bổ sung)) phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng), Tổng giám đốc/Giám đốc (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua, trừ khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Ban kiểm soát phải giám sát việc phê duyệt cấp tín dụng đối với các đối tượng này.”