1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 01/2025

1.1.      Thông tư số 15/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 15/2023/TT-NHNN ban hành ngày 05/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây viết tắt là “Thông tư số 15/2023/TT-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2025.

Một số nội dung có thể lưu ý: Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Điều 16 Thông tư số 15/2023/TT-NHNN quy định:Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng

  1. Thiết lập cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu tạo lập dữ liệu, kiểm soát dữ liệu cung cấp cho CIC; ban hành các quy định nội bộ và quản lý hệ thống chỉ tiêu thông tin tín dụng trong toàn hệ thống.
  2. Thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền khai thác, sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng theo hợp đồng ký kết với CIC.
  3. Cử cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ thông tin tín dụng do CIC tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
  4. Thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với CIC và quy định liên quan của pháp luật.”

1.2.      Thông tư số 50/2024/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 50/2024/TT-NHNN ban hành ngày 31/10/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 50/2024/TT-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2025.

Một số nội dung có thể lưu ý: Quy định về các chức năng bắt buộc của phần mềm ứng dụng Online Banking.

Cụ thể, khoản 6 Điều 7 Thông tư số 50/2024/TT-NHNN quy định: “6. Các chức năng bắt buộc của phần mềm ứng dụng Online Banking:

a) Toàn bộ dữ liệu khi truyền trên môi trường mạng hoặc dữ liệu trao đổi giữa phần mềm ứng dụng Online Banking với các trang thiết bị liên quan được áp dụng cơ chế mã hóa điểm đầu đến điểm cuối;

b) Bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu giao dịch, mọi sửa đổi trái phép phải được phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn hoặc có biện pháp xử lý phù hợp để bảo đảm sự chính xác của dữ liệu giao dịch trong quá trình thực hiện giao dịch, lưu trữ dữ liệu;

c) Kiểm soát phiên giao dịch: hệ thống có cơ chế tự động ngắt phiên giao dịch khi người sử dụng không thao tác trong một khoảng thời gian do đơn vị quy định hoặc áp dụng các biện pháp bảo vệ khác;

d) Có chức năng che giấu đối với việc hiển thị các mã khóa bí mật, mã PIN dùng để đăng nhập vào hệ thống;

đ) Có chức năng chống đăng nhập tự động;

e) Trong trường hợp tài khoản giao dịch điện tử quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư nàysử dụng mã PIN hoặc mã khóa bí mật làm hình thức xác nhận, phần mềm ứng dụng Online Banking phải có các chức năng kiểm soát mã PIN và mã khóa bí mật:

(i) Yêu cầu khách hàng thay đổi mã PIN hoặc mã khóa bí mật trong trường hợp khách hàng được cấp phát mã PIN hoặc mã khóa bí mật mặc định lần đầu;

(ii) Thông báo cho khách hàng khi mã PIN hoặc mã khóa bí mật sắp hết hiệu lực sử dụng;

(iii) Hủy hiệu lực của mã PIN hoặc mã khóa bí mật khi hết hạn sử dụng; yêu cầu khách hàng thay đổi mã PIN hoặc mã khóa bí mật đã hết hạn sử dụng khi khách hàng sử dụng mã PIN hoặc mã khóa bí mật để đăng nhập;

(iv) Hủy hiệu lực của mã PIN hoặc mã khóa bí mật trong trường hợp bị nhập sai mã PIN hoặc mã khóa bí mật liên tiếp quá số lần do đơn vị quy định (nhưng không quá 10 lần) và thông báo cho khách hàng;

(v) Đơn vị chỉ cấp phát lại mã PIN hoặc mã khóa bí mật khi khách hàng yêu cầu và phải kiểm tra, nhận biết khách hàng trước khi thực hiện cấp phát lại, bảo đảm chống gian lận, giả mạo.

g) Đối với khách hàng là tổ chức, phần mềm ứng dụng được thiết kế để bảo đảm việc thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến bao gồm tối thiểu hai bước: tạo lập và phê duyệt giao dịch. Trong trường hợp khách hàng là hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng chế độ kế toán đơn giản, việc thực hiện giao dịch không bắt buộc tách biệt hai bước tạo lập và phê duyệt giao dịch;

h) Có chức năng thông báo việc đăng nhập lần đầu phần mềm ứng dụng Online Banking hoặc việc đăng nhập phần mềm ứng dụng Online Banking trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện đăng nhập phần mềm ứng dụng Online Banking lần gần nhất qua SMS hoặc các kênh khác do khách hàng đăng ký (điện thoại, thư điện tử…), ngoại trừ trường hợp khách hàng tổ chức: đăng nhập trên các thiết bị đã đăng ký sử dụng dịch vụ; hoặc đăng nhập sử dụng tối thiểu một trong các hình thức xác nhận quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 11 Thông tư này.”

1.3.      Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15 tháng 5 năm 2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 7 năm 2016

  • Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 2690/QĐ-NHNN ban hành ngày 18/12/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15 tháng 5 năm 2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 7 năm 2016 (sau đây viết tắt là “Quyết định số 2690/QĐ-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2025.

Một số nội dung có thể lưu ý: Mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN.

Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 2690/QĐ-NHNN quy định: Điều 1. Mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2025 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15 tháng 5 năm 2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 7 năm 2016 là 4,7%/năm.”

1.4.      Thông tư số 51/2024/TT-NHNN quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 51/2024/TT-NHNN ban hành ngày 29/11/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Thông tư số 51/2024/TT-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 15/01/2025.

Một số nội dung có thể lưu ý: Trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, Điều 15 Thông tư số 51/2024/TT-NHNN quy định: “Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

  1. Lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo đúng quy định của Thông tư này.
  2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, có trách nhiệm gửi thông báo bằng văn bản về tổ chức kiểm toán độc lập được lựa chọn cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định sau đây:a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi cho Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;b) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố) gửi cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt trụ sở.
  3. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 39 Luật Kiểm toán độc lậpvà các quy định khác của pháp luật về kiểm toán độc lập.
  4. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, gửi kết quả kiểm toán độc lập cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.
  5. Thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp phát sinh tranh chấp về kết quả kiểm toán độc lập, trong đó báo cáo, giải trình và đề xuất ý kiến giải quyết theo quy định pháp luật có liên quan.
  6. Thực hiện việc công bố công khai thông tin tài chính theo đúng quy định hiện hành.”

1.5.      Thông tư số 52/2024/TT-NHNN quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 52/2024/TT-NHNN ban hành ngày 29/11/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (sau đây viết tắt là “Thông tư số 52/2024/TT-NHNN”)
  • Ngày có hiệu lực: 15/01/2025.

Một số nội dung có thể lưu ý: Trách nhiệm của ngân hàng thương mại.

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 52/2024/TT-NHNN quy định: “Điều 5. Trách nhiệm của ngân hàng thương mại

  1. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm đầu mối xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ; theo dõi, đôn đốc cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ phối hợp xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ theo quy định tại Thông tư này.
  2. Thực hiện báo cáo tình hình thực hiện lộ trình tuân thủ định kỳ hàng quý bằng văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) theo Mẫu Báo cáo Tình hình thực hiện lộ trình tuân thủ của ngân hàng thương mại tại Phụ lụcban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian chốt số liệu tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo. Thời hạn gửi báo cáo là chậm nhất vào ngày 25 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo (kỳ báo cáo đầu tiên là báo cáo Quý III năm 2025).
  3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ của thông tin cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan.”