Điều cần biết Con chung của vợ chồng

Điều cần biết Con chung của vợ chồng

ĐIỀU CẦN BIẾT

CON CHUNG CỦA VỢ CHỒNG

  • Xác định con chung của vợ chồng để làm gì? Việc xác định con chung của vợ chồng nhằm ghi nhận mối quan hệ cha, mẹ, con, từ đó làm căn cứ để giải quyết các vấn đề về quyền nuôi con khi ly hôn, thừa kế, thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng,…
  • Khi nào gọi là con chung của vợ chồng?[1]

Con sinh ra (kể cả sinh bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo) trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

  • Ngoại lệ thì sao?

Trường hợp cha và/hoặc mẹ không thừa nhận con thì nếu có chứng cứ (ví dụ như kết quả giám định AND) thì phải nộp đơn khởi kiện và phải được Tòa án xác định.[2]

Trường hợp cha và/hoặc mẹ đẻ muốn nhận con thì nếu có chứng cứ (ví dụ như kết quả giám định AND) thì nộp hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ tại UBND cấp xã[3] (hồ sơ và thủ tục chi tiết xem hướng dẫn tại Cổng dịch vụ công Quốc gia: Liên kết tại đây.   

Con chung cua vo chong

[1] Khoản 1 Điều 88, 93, 94 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13

[2] Khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13

[3] Điều 25 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13

      Điều cần biết Doanh nghiệp vay và cho vay tiền

      Điều cần biết Doanh nghiệp vay và cho vay tiền

      ĐIỀU CẦN BIẾT

      DOANH NGHIỆP VAY VÀ CHO VAY TIỀN

      • Doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, được quyền vay vốn từ các nguồn nào? Theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp (DN) được quyền chọn hình thức, phương thức huy động vốn[1] trên cơ sở cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên[2]. DN được quyền vay vốn từ các chủ thể sau đây: Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác, tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài[3].
      • Doanh nghiệp (không phải là tổ chức tín dụng) có được cho vay tiền không? DN có quyền sử dụng, định đoạt tài sản của mình[4] trên cơ sở cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên. Do đó, DN không phải là tổ chức tín dụng vẫn được cho cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài[5] khác vay tiền, tuy nhiên đó không phải là hoạt động thường xuyên, kinh doanh của doanh nghiệp.
      • Vay nước ngoài và cho nước ngoài vay

      Vay tiền từ cá nhân, tổ chức nước ngoài:

      Thủ tục[6]: Đối với khoản vay trung, dài hạn, DN phải thực hiện thủ tục đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, thủ tục tham khảo tại trang Cổng dịch vụ công Quốc gia: Liên kết tại đây.

      Lãi suất[7]: Do Bên đi vay, Bên cho vay và các bên liên quan thỏa thuận. Khi cần thiết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ quyết định và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài (bao gồm lãi suất) trong từng thời kỳ.

      Cho vay đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài:

      Thủ tục[8]: DN thực hiện thủ tục chấp thuận Thủ tướng Chính phủ đối với khoản cho vay ra nước ngoài. Sau đó, DN thực hiện thủ tục đăng ký khoản cho vay ra nước ngoài tại Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối).

      Lãi suất[9]: Do Bên cho vay và Bên vay thoả thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (áp dụng đối với trường hợp Các Bên áp dụng pháp luật Việt Nam để điều chỉnh thoả thuận cho vay).

      [1] Khoản 3 Điều 7 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14.

      [2] Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13.

      [3] Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 219/2013/NĐ-CP.

      [4] Khoản 8 Điều 7 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14.

      [5] Khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh Ngoại hối số 07/VBHN-VPQH.

      [6] Điều 11 Thông tư số 12/2022/TT-NHNN.

      [7] Khoản 5 Điều 3, Điều 12 Thông tư số 08/2023/TT-NHNN.

      [8] Khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh Ngoại hối số 07/VBHN-VPQH và Điều 7, 8 Thông tư số 37/2013/TT-NHNN.

      [9] Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 37/2013/TT-NHNN; khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13.

          Điều cần biết Công ty có được chấm dứt Hợp đồng lao động đã hết thời hạn

          Điều cần biết Công ty có được chấm dứt Hợp đồng lao động đã hết thời hạn

          ĐIỀU CẦN BIẾT

          CÔNG TY CÓ ĐƯỢC CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG ĐÃ HẾT THỜI HẠN

          Câu hỏi: Tôi và công ty ký hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng, từ ngày 15/01/2023 đến ngày 15/01/2024. Đến ngày 15/01/2024, công ty không có quyết định gia hạn hợp đồng lao động với tôi, nên tôi vẫn đi làm. Ngày 01/3/2024, Công ty ra quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động với tôi với lý do hợp đồng đã hết thời hạn, và yêu cầu tôi phải nghỉ việc từ ngày 02/3/2024. Tôi muốn hỏi: Công ty có quyền chấm dứt hợp đồng với tôi như thế hay không?

          Trả lời:

          Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Bộ Luật Lao Động, khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

          • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
          • Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

          Hợp đồng lao động của bạn hết hạn vào ngày 15/01/2024. Công ty không thực hiện chấm dứt hợp đồng vào ngày hết hạn, vẫn để cho bạn đi làm đến ngày 01/3/2024, và trong suốt thời gian đó, giữa công ty và bạn không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt hợp đồng, hay gia hạn hợp đồng, hay ký một hợp đồng lao động mới.

          Do đó, căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 20 Bộ Luật Lao Động thì vào ngày 16/02/2024, hợp đồng lao động của bạn sẽ đương nhiên trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Vì thế, đến ngày 01/03/2024, Công ty không có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với bạn vì lý do hết thời hạn hợp đồng.

          Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể yêu cầu công ty xem xét lại quyết định của mình và thực hiện đúng quy định pháp luật, hoặc khởi kiện để yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bạn.