ĐIỀU CẦN BIẾT

THỜI GIAN HIỆU LỰC CỦA THỎA THUẬN BẢO MẬT

Thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) thường không phải là hợp đồng chính, nhưng thời gian hiệu lực của nó lại có thể không trùng với hợp đồng chính, không giống như các thỏa thuận đi kèm khác. Về cơ bản, thời gian hiệu lực NDA chính là thời hạn mà Bên nhận có nghĩa vụ bảo mật thông tin mật theo mong muốn của Bên cung cấp.

Thời gian hiệu lực này nên quy định như thế nào?

  • Có lợi cho Bên cung cấp: Hiệu lực này nên theo hướng “vô hạn, nghĩa là kể cả khi Hợp đồng chính chấm dứt và/hoặc giao dịch kết thúc, thì Bên nhận vẫn phải bảo mật thông tin mật.

Ví dụ: Thỏa thuận bảo mật này có hiệu lực kể từ thời điểm Bên Nhận có được Thông Tin Mật đầu tiên, kéo dài liên tục và mãi mãi (kể cả khi Hợp Đồng Chính và/hoặc Giao Dịch bị chấm dứt, hủy bỏ hay vô hiệu).

  • Có lợi cho Bên Nhận: Hiệu lực này nên theo hướng thu hẹp, nghĩa là khi Hợp đồng chính chấm dứt, thì Bên nhận không còn phải bảo mật thông tin mật.

Ví dụ: Thỏa thuận bảo mật này có hiệu lực kể từ thời điểm được ký kết bời Các Bên, kéo dài liên tục và chấm dứt cùng thời điểm chấm dứt của Hợp Đồng Chính.

  • Cân bằng cho Các Bên: Hiệu lực này nên theo hướng “xác định”, nghĩa là sau một thời gian nhất định (khi đó thông tin mật bị tiết lộ cũng không nguy hại cho Bên cung cấp) thì NDA chấm dứt và Bên nhận không còn phải bảo mật thông tin mật.

Ví dụ: Thỏa thuận bảo mật này có hiệu lực kể từ thời điểm Bên Nhận có được Thông Tin Mật đầu tiên, kéo dài liên tục và chấm dứt sau [36 tháng] kể từ thời điểm chấm dứt của Hợp Đồng Chính.

(Trường hợp có thông tin mật đặc biệt cần bảo vệ mãi mãi, thì nên bổ sung “quy định ngoại lệ”)

Lưu ý: Thực tế nhận thấy, nhiều NDA quy định “…nghĩa vụ bảo mật Thông Tin Mật vẫn tiếp tục có hiệu lực sau khi NDA này chấm dứt”, điều này có thể khiến hiệu lực thi hành bị ảnh hưởng, như câu hỏi đặt ra: NDA chấm dứt thì điều khoản về trách nhiệm của Bên Nhận khi vi phạm nghĩa vụ bảo mật còn hiệu lực hay không?