Cập nhật pháp lý liên quan đến lĩnh vực Tài chính Tín dụng (Bản tin tháng 04/2020)
1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ NGÀY 01/04/2020
1.1. Thông tư số 28/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của thống đốc ngân hàng nhà nước việt nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 28/2019/TT-NHNN ban hành ngày 25/12/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của thống đốc ngân hàng nhà nước việt nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (sau đây viết tắt là “Thông tư số 28/2019/TT-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 01/04/2020.
Một số nội dung có thể lưu ý:
· Một là, sửa đổi quy định về thẻ phi vật lý và bổ sung quy định về giao dịch nội địa xuất trình thẻ, giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ.
Cụ thể, khoản 1 Điều 1 Thông tư số 28/2019/TT-NHNN quy định: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng
1. Sửa đổi khoản 7, 19, 23, 25 và bổ sung khoản 8a, 8b vào Điều 3 như sau:
“7. Thẻ phi vật lý là thẻ không hiện hữu bằng hình thức vật chất, tồn tại dưới dạng điện tử và chứa các thông tin trên thẻ quy định tại Điều 12 Thông tư này (Thông tư số 19/2016/TT-NHNN), được tổ chức phát hành thẻ phát hành cho chủ thẻ để giao dịch trên môi trường internet, chương trình ứng dụng trên thiết bị di động; không bao gồm các trường hợp thẻ vật lý có đăng ký chức năng để giao dịch trên môi trường internet, chương trình ứng dụng trên thiết bị di động. Thẻ phi vật lý có thể được tổ chức phát hành thẻ in ra thẻ vật lý khi chủ thẻ có yêu cầu.”.
“8a. Giao dịch nội địa xuất trình thẻ là giao dịch thẻ, trong đó thẻ được phát hành bởi tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam và được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ tại máy giao dịch tự động, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán tại Việt Nam.
8b. Giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ là việc sử dụng thẻ, thông tin thẻ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ nhưng thực tế không phát sinh việc mua bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ.”.
…”
· Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng được sử dụng thẻ.
Cụ thể, khoản 5 Điều 1 Thông tư số 28/2019/TT-NHNN quy định: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng
…
5. Sửa đổiđiểm b khoản 3 Điều 16như sau:
“b) Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước;”.”
1.2. Thông tư 04/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 04/2020/TT-NHNN ban hành ngày 31/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNNngày 05 tháng 12 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Thông tư số 04/2020/TT-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 01/04/2020
Nội dung có thể lưu ý: quy định về việc giảm mức phí thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Cụ thể, Điều 1 Thông tư số 04/2020/TT-NHNN quy định: “Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN như sau:
Bổ sung Điều 1a như sau:
“Điều 1a. Giảm 50% mức phí thanh toán tại điểm 1.1, 1.2 Mục 1 “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” tại Phần III “Phí dịch vụ thanh toán trong nước” Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này (Thông tư số 26/2013/TT-NHNN) trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.”.”
2. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH TRONG THÁNG 03/2020
2.1. Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19
-
Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ban hành ngày 13/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là “Thông tư số 01/2020/TT-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 13/03/2020
Một số nội dung có thể lưu ý:
-
Một là, quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Cụ thể, Điều 4 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định: “Điều 4. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
1. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính;
b) Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid – 19;
c) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.
2. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký;
b) Số dư nợ đã quá hạn (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này) trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày Thông tư này (Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) có hiệu lực thi hành.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ quy định tại khoản 1, 2 Điều này trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
b) Thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay, cho thuê tài chính (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký).”
-
Hai là, quy định về miễn, giảm lãi, phí
Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định: “Điều 5. Miễn, giảm lãi, phí
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid -19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid – 19.”
-
Ba là, quy định về giữ nguyên nhóm nợ
Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định: “Điều 6. Giữ nguyên nhóm nợ
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ sau đây:
a) Số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ quy định tại Điều 4 Thông tư này (Thông tư số 01/2020/TT-NHNN);
b) Số dư nợ được miễn, giảm lãi quy định tại Điều 5 Thông tư này (Thông tư số 01/2020/TT-NHNN);
c) Số dư nợ quy định tại điểm a, b khoản này bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
2. Đối với số dư nợ quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhưng không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
3. Đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại Thông tư này (Thông tư số 01/2020/TT-NHNN), kể từ ngày được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”
2.2. Quyết định số 418/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng
-
Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 418/QĐ-NHNN ban hành ngày 16/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng (sau đây gọi tắt là “Quyết định số 418/QĐ-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 17/03/2020
Nội dung có thể lưu ý: quy định về các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 418/QĐ-NHNN quy định: “Điều 1. Quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
-
Lãi suất tái cấp vốn: 5,0%/năm.
-
Lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm.
-
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng: 6,0%/năm.”
2.3. Quyết định số 419/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014
-
Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 419/QĐ-NHNN ban hành ngày 16/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN[1]ngày 17 tháng 3 năm 2014 (sau đây gọi tắt là “Quyết định số 419/QĐ-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 17/03/2020
Nội dung có thể lưu ý: Quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.
Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 419/QĐ-NHNN quy định: “Điều 1. Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 như sau:
-
Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm.
-
Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,25%/năm.”
2.4. Quyết định số 420/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016
-
Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 420/QĐ-NHNN ban hành ngày 16/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN[2]ngày 30 tháng 12 năm 2016 (sau đây gọi tắt là “Quyết định số 420/QĐ-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 17/03/2020
Nội dung có thể lưu ý: Quy định về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam mà tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn.
Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 420/QĐ-NHNN quy định: “Điều 1. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 13[3] Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:
-
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm.
-
Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6,5%/năm.”
2.5. Quyết định số 421/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
-
Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 421/QĐ-NHNN ban hành ngày 16/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Quyết định số 421/QĐ-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 17/03/2020
Nội dung có thể lưu ý: Quy định về mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 421/QĐ-NHNN quy định: “Điều 1. Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
-
Đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam: 1,0%/năm.
-
Đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ: 0%/năm.
-
Đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam: 0%/năm.
-
Đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ: 0,05%/năm.”
2.6. Quyết định số 422/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
-
Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 422/QĐ-NHNN ban hành ngày 16/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Quyết định số 422/QĐ-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 17/03/2020
Nội dung có thể lưu ý: quy định về mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 422/QĐ-NHNN quy định: “Điều 1. Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
-
Đối với tiền gửi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam: 1,0%/năm.
-
Đối với tiền gửi của Ngân hàng Chính sách xã hội: 1,0%/năm.
-
Đối với tiền gửi của Quỹ tín dụng nhân dân: 1,0%/năm.
-
Đối với tiền gửi của Tổ chức tài chính vi mô: 1,0%/năm.”
2.7. Quyết định số 423.QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
-
Tên văn bản pháp luật: Quyết định số 423/QĐ-NHNN ban hành ngày 16/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là “Quyết định số 423/QĐ-NHNN”)
-
Ngày có hiệu lực: 17/03/2020
Nội dung có thể lưu ý: quy định về mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cụ thể, Điều 1 Quyết định số 423/QĐ-NHNN quy định: “Điều 1. Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
1. Đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Kho bạc Nhà nước: 1,0%/năm.
2. Đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước: 0,05%/năm.
3. Đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: 1,0%/năm”
[1] Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ban hành ngày 17/03/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng
[2] Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ban hành ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng
[3] Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN: “Điều 13. Lãi suất cho vay
…
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.”