1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH TRONG THÁNG 11/2021

1.1. Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ban hành ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (sau đây viết tắt là “Thông tư số 16/2021/TT-NHNN”)

  • Ngày có hiệu lực: 15/01/2022.

Một số nội dung có thể lưu ý:

  • Một là, quy định về trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán.

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định:Điều 5. Trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán

Trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

  1. Là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo đúng quy định của pháp luật.

  2. Được phát hành bằng đồng Việt Nam.

  3. Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán, chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi và bên bán cam kết trái phiếu doanh nghiệp không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang mua bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu (trừ trường hợp tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để bán lần đầu).”

  • Hai là, quy định về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định:Điều 8. Giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp

  1. Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng(đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

  2. Tổ chức tín dụng quy định cụ thể các giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp: Trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành; trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành và người có liên quan phát hành; trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm; trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm; trái phiếu doanh nghiệp đầu tư sẵn sàng để bán; trái phiếu doanh nghiệp đầu tư giữ đến ngày đáo hạn; trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh.”

1.2. Thông tư số 18/2021/TT-NHNN quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 18/2021/TT-NHNN ban hành ngày 18/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây viết tắt là “Thông tư số 18/2021/TT-NHNN”)

  • Ngày có hiệu lực: 07/01/2022.

Một số nội dung có thể lưu ý:

  • Một là, quy định về nguyên tắc tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng.

Cụ thể, Điều 3 Thông tư số 18/2021/TT-NHNN quy định:Điều 3. Nguyên tắc tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng

  1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng khi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) cấp có nội dung hoạt động tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng.

  2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng theo quy định tại Thông tư này, phù hợp quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Các công cụ chuyển nhượng và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài, các bên thực hiện theo quy định tại Thông tư này, Luật Các tổ chức tín dụng, quy định về áp dụng điều ước quốc tế, tập quán thương mại quốc tế trong quan hệ công cụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài tại Luật Các công cụ chuyển nhượng và quy định của pháp luật về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

  3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng bằng ngoại tệ phù hợp với phạm vi hoạt động ngoại hối được phép của từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

  • Hai là, quy định về đồng tiền tái chiết khấu.

Cụ thể, Điều 6 Thông tư số 18/2021/TT-NHNN quy định:Điều 6. Đồng tiền tái chiết khấu

  1. Đối với công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng đồng Việt Nam, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tái chiết khấu bằng đồng Việt Nam.

  2. Đối với công cụ chuyển nhượng ghi trả bằng ngoại tệ:

  3. a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tái chiết khấu bằng loại ngoại tệ ghi trên công cụ chuyển nhượng đó hoặc bằng đồng Việt Nam theo thỏa thuận. Trường hợp tái chiết khấu bằng đồng Việt Nam, các bên thỏa thuận tỷ giá áp dụng phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá;

  4. b) Trường hợp tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng theo phương thức mua có kỳ hạn, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua lại công cụ chuyển nhượng bằng đồng tiền bán công cụ chuyển nhượng đó.”

1.3. Công văn số 8458/NHNN-TT V/v triển khai áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa

  • Tên văn bản pháp luật: Công văn số 8458/NHNN-TTban hành ngày 31/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước V/v triển khai áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa (sau đây viết tắt là “Công văn số 8458/NHNN-TT”)

  • Nội dung có thể lưu ý được quy định tại Công văn số 8458/NHNN-TT:

“để đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi sang thẻ chip nội địa, Thông tư số 19 (đã được sửa đổi bổ sung) quy định trách nhiệm của tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) trong thực hiện lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ nội địa sang thẻ chip nội địa đang lưu hành và dừng phát hành thẻ từ nội địa sau thời điểm 31/3/2021, không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (thẻ còn đang thời hạn sử dụng) do các TCPHT tại Việt Nam phát hành; đồng thời quy định trách nhiệm các tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) trong thực hiện lộ trình chuyển đổi ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) đang hoạt động tại Việt Nam tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, không có quy định về việc từ chối chấp nhận giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành.