1. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC KỂ TỪ NGÀY 01/07/2019

1.1. Thông tư số 35/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việt Nam quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 35/2018/TT-NHNN ban hành ngày 24/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việt Nam quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet

(Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việt Nam quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet sau đây viết tắt là “Thông tư số 35/2016/TT-NHNN”

Thông tư số 35/2018/TT-NHNN ban hành ngày 24/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việt Nam quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet sau đây viết tắt là “Thông tư số 35/2018/TT-NHNN”)

  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2019.

Một số nội dung có thể lưu ý:

  • Một là, sửa đổi, bổ sung quy định về hệ quản trị cơ sở dữ liệu.

Cụ thể, khoản 4 Điều 1 Thông tư số 35/2018/TT-NHNN quy định: “4. Khoản 2 Điều 6[1] (Thông tư số 35/2016/TT-NHNN) được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Hệ thống Internet Banking phải có cơ sở dữ liệu dự phòng thảm họa có khả năng thay thế cơ sở dữ liệu chính và bảo đảm không mất dữ liệu giao dịch trực tuyến của khách hàng.””.

  • Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về các tính năng bắt buộc của phần mềm ứng dụng.

Cụ thể, khoản 5 Điều 1 Thông tư số 35/2018/TT-NHNN quy định: “5. Điểm c và điểm đ khoản 6 Điều 7[2] (Thông tư số 35/2016/TT-NHNN) được sửa đổi, bổ sung như sau:

“c) Kiểm soát phiên giao dịch: hệ thống có cơ chế tự động ngắt phiên giao dịch khi người sử dụng không thao tác trong một khoảng thời gian do đơn vị quy định hoặc áp dụng các biện pháp bảo vệ khác”;

“đ) Đối với khách hàng là tổ chức, phần mềm ứng dụng được thiết kế để đảm bảo việc thực hiện giao dịch bao gồm tối thiểu hai bước: tạo, phê duyệt giao dịch và được thực hiện bởi những người khác nhau. Trong trường hợp khách hàng là tổ chức được pháp luật cho phép áp dụng chế độ kế toán đơn giản, việc thực hiện giao dịch tương tự như khách hàng cá nhân”.”

1.2. Thông tư số 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ban hành ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tiền gửi tiết kiệm (sau đây viết tắt là “Thông tư số 48/2018/TT-NHNN”)

  • Ngày có hiệu lực: 05/07/2019.

Một số nội dung có thể lưu ý:

  • Một là, quy định về lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Cụ thể, Điều 9 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN quy định: “Điều 9. Lãi suất

  1. Tổ chức tín dụng quy định lãi suất tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất trong từng thời kỳ.

  2. Phương pháp tính lãi tiền gửi tiết kiệm thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

  3. Phương thức trả lãi tiền gửi tiết kiệm thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền.”

  • Hai là, quy định thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng.

Cụ thể, Điều 12 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN quy định: “Điều 12. Thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng

  1. Người gửi tiền phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền; trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm chung, tất cả người gửi tiền phải trực tiếp xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của mình. Trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật, Giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật và Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền.

  2. Người gửi tiền đăng ký chữ ký mẫu trong trường hợp thay đổi chữ ký mẫu hoặc chưa có chữ ký mẫu được lưu tại tổ chức tín dụng. Đối với người gửi tiền là người không viết được, người không đọc được, người không nhìn được: người gửi tiền thực hiện theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.

  3. Tổ chức tín dụng đối chiếu, cập nhật các thông tin người gửi tiền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

  4. Người gửi tiền thực hiện thủ tục khác theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.

  5. Sau khi hoàn thành các thủ tục quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, tổ chức tín dụng thực hiện việc nhận tiền gửi tiết kiệm và giao Thẻ tiết kiệm cho người gửi tiền.

  6. Đối với việc gửi tiền gửi tiết kiệm vào Thẻ tiết kiệm đã cấp:a) Trường hợp gửi bằng tiền mặt: Người gửi tiền thực hiện các thủ tục quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, xuất trình Thẻ tiết kiệm đã cấp. Tổ chức tín dụng nhận tiền gửi tiết kiệm, ghi nhận tiền gửi tiết kiệm vào Thẻ tiết kiệm đã cấp và giao Thẻ tiết kiệm cho người gửi tiền;b) Trường hợp gửi từ tài khoản thanh toán của người gửi tiền: người gửi tiền thực hiện các thủ tục do tổ chức tín dụng hướng dẫn.”

  • Ba là, Thông tư số 48/2018/TT-NHNN thay thế Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13 tháng 9 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm, Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25 tháng 9 năm 2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13 tháng 9 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, khoản 1 Điều 22 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN quy định: “Điều 22. Điều khoản thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2019 và thay thế Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13 tháng 9 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm, Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25 tháng 9 năm 2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13 tháng 9 năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

1.3. Thông tư số 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn

  • Tên văn bản pháp luật: Thông tư số 49/2018/TT-NHNN ban hành ngày 31/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tiền gửi có kỳ hạn (sau đây viết tắt là “Thông tư số 49/2018/TT-NHNN”)

  • Ngày có hiệu lực: 05/07/2019.

Một số nội dung có thể lưu ý:

  • Một là, quy định về nguyên tắc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn.

Cụ thể, Điều 5 Thông tư số 49/2018/TT-NHNN quy định: “Điều 5. Nguyên tắc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn

1. Tổ chức tín dụng nhận tiền gửi có kỳ hạn phù hợp với phạm vi hoạt động được phép theo quy định của pháp luật và Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng.

2. Khách hàng chỉ được gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán của chính khách hàng đó.

3. Khách hàng thực hiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để thực hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng khách hàng là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc chưa đủ 15 tuổi thực hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua người đại diện theo pháp luật; Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật thực hiện việc gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua người giám hộ (người đại diện theo pháp luật, người giám hộ gọi chung là người đại diện theo pháp luật).

4. Đối với tiền gửi chung có kỳ hạn, khách hàng gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán chung của tất cả khách hàng. Người cư trú và người không cư trú không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn. Tổ chức và cá nhân không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn bằng ngoại tệ.

5. Thời hạn gửi tiền được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Đối với khách hàng là tổ chức và cá nhân nước ngoài là người không cư trú, cá nhân nước ngoài là người cư trú, thời hạn gửi tiền không được dài hơn thời hạn hiệu lực còn lại của Giấy tờ xác minh thông tin quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 4 Thông tư này.

6. Đồng tiền chi trả gốc, lãi tiền gửi có kỳ hạn là đồng tiền mà khách hàng đã gửi.”

  • Hai là, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 16/2014/TT-NHNN ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép về (i) Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người cư trú là tổ chức; (ii) Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người không cư trú là tổ chức; (iii) Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người cư trú là cá nhân; (iv) Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người không cư trú là cá nhân.

Cụ thể, khoản 4 Điều 17 Thông tư số 49/2018/TT-NHNN quy định: “Điều 17. Điều khoản thi hành

4. Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014/TT-NHNN ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép như sau:

a) Bổ sung gạch đầu dòng thứ ba vào điểm d khoản 1 Điều 3[3], gạch đầu dòng thứ ba vào điểm d khoản 1 Điều 5[4]như sau:

“Thu ngoại tệ chuyển khoản phát sinh từ các giao dịch nhận chi trả gốc và lãi tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ phù hợp với quy định pháp luật về tiền gửi có kỳ hạn.”

[1] “Điều 6. Hệ quản trị cơ sở dữ liệu

2. Hệ thống Internet Banking phải có cơ sở dữ liệu dự phòng tại Trung tâm dự phòng thảm họa. Cơ sở dữ liệu dự phòng phải được cập nhật không quá một giờ so với cơ sở dữ liệu chính thức. Cơ sở dữ liệu phải được sao lưu định kỳ hàng ngày. Các bản sao lưu phải được quản lý, cất giữ an toàn.

[2]Điều 7. Phần mềm ứng dụng Internet Banking

6. Các tính năng bắt buộc của phần mềm ứng dụng:

c) Có cơ chế kiểm soát phiên giao dịch và thời gian truy cập website, ứng dụng. Trường hợp người sử dụng không thao tác trong một khoảng thời gian do đơn vị quy định nhưng không quá năm phút, hệ thống tự động ngắt phiên giao

dịch hoặc áp dụng các biện pháp bảo vệ khác;

đ) Đối với khách hàng là tổ chức, phần mềm ứng dụng được thiết kế để đảm bảo việc thực hiện giao dịch bao gồm tối thiểu hai bước: tạo, phê duyệt giao dịch và được thực hiện bởi tối thiểu hai người khác nhau.”

[3]Điều 3. Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người cư trú là tổ chức

Người cư trú là tổ chức được sử dụng tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

1. Thu:

d) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu hợp pháp trong nước, bao gồm:

– Thu từ việc mua ngoại tệ chuyển khoản tại các tổ chức tín dụng được phép;

– Thu ngoại tệ chuyển khoản hoặc nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản đối với các trường hợp được thu ngoại tệ trong nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.”

[4]Điều 5. Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người không cư trú là tổ chức

Người không cư trú là tổ chức được sử dụng tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

1. Thu:

d) Thu ngoại tệ từ các nguồn thu hợp pháp trong nước, bao gồm:

– Thu từ việc mua ngoại tệ chuyển khoản tại các tổ chức tín dụng được phép;

– Thu ngoại tệ chuyển khoản hoặc nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản đối với các trường hợp được thu ngoại tệ trong nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.”